Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.
Thông tin khái quát về dự án Luật Phòng không nhân dân, đại diện Cục Phòng không Lục quân, Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân. Bên cạnh đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Dự thảo Luật gồm 8 chương với 55 điều. Trong đó, nội dung tập trung vào 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023, gồm: xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân...
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc xây dựng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc; phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các đại biểu cũng đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã nỗ lực, cố gắng, làm việc nghiêm túc, thận trọng, xây dựng dự thảo Luật có bố cục chặt chẽ, bám sát cơ sở thực tiễn.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của thành phần lực lượng phòng không nhân dân, bao gồm: cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân; hệ thống chỉ huy phòng không nhân dân; lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.
Một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc chính sách phân loại hoạt động bay, từ đó phân hoá trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể gắn với từng hoạt động bay này, bổ sung quy định miễn trừ phù hợp để bảo đảm cân bằng giữa nhu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế.
Mặt khác, hiện dự thảo Luật chưa có quy định về đối tượng áp dụng, do đó, một số đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung, tránh vướng mắc khi áp dụng một số hành vi bị cấm do các chủ thể khác nhau thực hiện.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động; thẩm quyền cấp phép kinh doanh; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không…