Báo cáo của TAND tỉnh Hòa Bình cho thấy, từ ngày 1.10.2020 - 30.6.2023, TAND hai cấp tỉnh Hòa Bình thụ lý 8.592 vụ án, đã giải quyết 7.876 vụ án (xét xử 2.742 vụ án), đạt tỷ lệ 91,67%. Đã thụ lý 701 hồ sơ, giải quyết 679 hồ sơ, còn 22 hồ sơ đang giải quyết. Công tác phối hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia tố tụng, giám định, định giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của cơ quan tố tụng đã có chuyển biến trong thời gian gần đây. TAND hai cấp của tỉnh thực hiện tốt các văn bản của cấp trên; quy chế phối hợp liên ngành được triển khai thực hiện theo quy định, đặc biệt quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 15.11.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
Luật Tổ chức TAND được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 24.11.2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2015. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật, trong đó việc thi hành Luật còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật; Đồng thời đề xuất, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 để khắc phục những hạn chế, thể chế kịp thời quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Các đại biểu cũng đề nghị: sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương của thẩm phán, cán bộ, công chức TAND phù hợp với đặc thù hoạt động chuyên môn; tăng biên chế chức danh tư pháp (thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký) và công chức vị trí việc làm (văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin) cho TAND cấp tỉnh, cấp huyện; có cơ chế bảo vệ khi thi hành công vụ cho các thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, những mặt trái của xã hội, tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm. Đồng thời, cho ý kiến về một số định hướng sửa đổi, tổ chức bộ máy; nguồn lực bảo đảm cho tòa án hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.
Phát biểu kết luận cuộc khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc ghi nhận, chia sẻ những khó khăn của hệ thống TAND. Thời gian tới, để việc thi hành Luật tiếp tục đạt hiệu quả hơn, bà Ngọc đề nghị: TAND hai cấp tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tổ chức hiệu quả, nhân rộng các phiên tòa rút kinh nghiệm; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng trong giải quyết các vụ án…, góp phần bảo đảm ANTT, phát triển KT - XH trên địa bàn. Đoàn ĐBQH tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất để thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.