Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu, nhưng mới thực sự được quan tâm và phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tại thời điểm 31.12.2021, dư nợ trái phiếu đã vượt 1 triệu tỷ đồng, trong đó dự nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 70%, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm khoảng 67%. Con số này cho thấy đây là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của HNX. Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường (báo cáo giao dịch).
Về nền tảng công nghệ, các ứng dụng lõi được chạy trên nền tảng Linux bảo đảm tối ưu hóa về tốc độ và sử dụng tài nguyên phần cứng; ứng dụng phía người dùng được sử dụng công nghệ web-base để thuận tiện cho việc triển khai nhanh từ phía thành viên.
Hệ thống được phát triển ứng dụng các giải pháp bảo mật bao gồm sử dụng giao thức mã hóa để bảo mật dữ liệu trong quá trình truyền tải trên đường truyền mạng cho kênh nhập lệnh từ thành viên tới HNX, sử dụng kênh truyền WAN dành riêng để kết nối với VSD, thành viên thị trường, sử dụng phương thức xác thực đa nhân tố để bảo đảm an toàn truy cập.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, thì quy mô của thị trường này vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Hiện, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ khoảng 13% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ, để nâng cao chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần ưu tiên phát triển các thị trường tập trung có sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước để giúp thị trường phát triển minh bạch, an toàn và bền vững.
Trong bối cảnh đó, “việc ra đời của Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết. Hệ thống này đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn”, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện. Quan điểm là cơ quan quản lý tôn trọng thỏa thuận của các bên tham gia thị trường, Nhà nước chỉ tham gia với vai trò tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tổ chức thị trường để hỗ trợ các bên thực hiện đúng các cam kết của mình.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển thị trường phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế chính sách; tổ chức thị trường hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tiến hành cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin về tình hình thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và tăng cường kiểm soát, xử lý việc đưa tin không chính thống, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường.
Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động của các định chế trung gian và dịch vụ thị trường; tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường.
Thay mặt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cam kết sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo các đơn vị Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, HNX, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán và các thành viên thị trường tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng cải cách, đổi mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở đó, xây dựng thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng phát triển bền vững, an toàn, minh bạch và hiệu quả, ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước đó, để chuẩn bị và đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2023/TT-BTC ngày 17.5.2023 về việc hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Trên cơ sở Thông tư của Bộ, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quy chế thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Quy chế đăng ký và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã ban hành Quy chế hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. HNX đã ban hành các quy trình nghiệp vụ vận hành và quản trị hệ thống.