Cô giáo bị nhóm học sinh quây trong lớp:

Hãy nới lỏng cho thầy cô chiếc “vòng kim cô” trên đầu

Vụ việc một số học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên gây bức xúc dư luận những ngày gần đây. Chia sẻ quan điểm về vụ việc, nhiều hiệu trưởng đã bày tỏ những suy nghĩ từ thực tiễn quản lý, giáo dục học sinh và mong muốn giáo viên được bảo vệ tốt hơn thông qua các hình thức và biện pháp cho nghề giáo.

Người lớn không vô can

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ đã “cực kỳ sốc” và rất buồn khi xem đoạn clip xuất hiện trang mạng xã hội ghi lại cảnh nhóm học sinh ở Tuyên Quang có hành động bạo lực với nữ giáo viên. Theo cô Hồng, đây cũng là tâm trạng chung của rất nhiều nhà giáo khác.

Tuy nhiên, điều làm cô Hồng buồn hơn là phản ứng tiêu cực của một số người lớn khi nói rằng “giáo viên phải như thế nào thì học sinh mới làm thế”.

“Xem clip buồn một nhưng đọc những lời chỉ trích cô giáo như vậy còn buồn hơn rất nhiều. Tôi buồn vì nhận thức của một số người lớn. Với suy nghĩ này của người lớn thì làm sao đứa trẻ không hư? Đứa trẻ biết mình được cổ vũ, nên nghĩ rằng cô giáo xứng đáng phải bị như thế. Cô giáo nếu có làm sai, sẽ có các cấp lãnh đạo, có mọi người và có nhiều cách để thay đổi cô. Có thể kỷ luật giáo viên, nhưng không thể dùng cách để học sinh trực tiếp ra tay trừng trị, hành hạ giáo viên của mình. Đây là hành động vừa trái đạo đức, vừa trái pháp luật”, cô Hồng bày tỏ.

Nữ Hiệu trưởng cho rằng, để vụ việc nghiêm trọng này xảy ra là hệ quả tất yếu của cả xã hội, không thể chỉ đổ lỗi cho đứa trẻ. Người lớn không vô can trong chuyện này. “Ở một xã hội lúc nào cũng tôn sùng trẻ em, bố mẹ quá bênh con và thầy cô giáo dường như bị tước hết quyền hạn thì kết quả sẽ dẫn tới những câu chuyện rất đáng thương như trên”, cô Hồng nói.

Cô giáo bị nhóm học sinh quây trong lớp: Hãy nới lỏng cho thầy cô chiếc “vòng kim cô” trên đầu -0
Hình ảnh nhóm học sinh đẩy, dồn cô giáo vào góc tường, buông lời chửi bới nữ giáo viên bằng những từ ngữ tục tĩu (Ảnh cắt từ clip)

Cũng theo nữ Hiệu trưởng, hiện nay, nhiều giáo viên dường như không dám lên tiếng, bất lực, cam chịu là bởi tâm lý sợ búa rìu của dư luận, chưa biết ai đúng ai sai nhưng “cứ tung lên mạng” thì người “đau khổ” nhất sẽ là thầy cô giáo.

“Các thầy cô giáo khi bị đưa hình ảnh lên mạng xã hội, họ không ăn, không ngủ được, nhiều người gặp các vấn đề tâm lý vì không chịu được áp lực từ dư luận. Dư luận đôi khi không biết nguyên nhân sâu xa ra sao, nhưng lại chửi bới bằng những từ ngữ cay nghiệt nhất, thậm chí tìm số điện thoại của thầy cô, tìm gia đình, con cháu họ để chửi rủa”, cô Hồng tâm sự và cho biết, chính sự khắt khe của dư luận đã khiến thầy cô không dám kỷ luật học sinh bằng những biện pháp cứng rắn, nhưng cũng không dám sử dụng cả biện pháp kỷ luật mềm. Bởi sự mắng mỏ, phê bình đôi khi cũng có thể trở thành câu chuyện khiến họ bị búa rìu dư luận chỉ trích.

Để tránh những vụ việc đáng tiếc như trên, cô Nguyễn Thị Vân Hồng mong xã hội hãy nới lỏng cho thầy cô những chiếc “vòng kim cô” trên đầu - đó chính là sự khắc nghiệt, những quy chuẩn, đòi hỏi quá lớn dành cho giáo viên. Bên cạnh đó, hãy có thêm nhiều tiếng nói để bênh vực cho các thầy cô.

Nguy cơ báo động về an toàn và trật tự trong môi trường học đường

Thầy Nguyễn Văn Trọng, Hiệu trưởng THCS Thất Khê, Lạng Sơn cho biết, bản thân thầy cảm thấy rất đáng tiếc và đáng buồn trước sự việc nhóm học sinh gây rối, uy hiếp giáo viên.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hành vi dồn vào góc lớp và buông lời xúc phạm, lăng mạ của học sinh với cô giáo là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đây là một việc làm không chỉ vi phạm các quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong xã hội, mà còn đặt ra nguy cơ báo động về an toàn và trật tự trong môi trường học đường”, thầy Trọng nói.

Theo thầy Trọng, qua đây, các nhà trường cần xây dựng những bộ quy tắc ửng xử bao gồm: quy tắc ứng xử đối với cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh. Trong đó, phải liên kết và phối hợp tốt giữa các bộ phận trong nhà trường.

Đồng thời, ban giám hiệu cần nắm bắt được tâm tư của giáo viên và học sinh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra. Hàng tuần, cần có những giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt đầu tuần để đánh giá, nhận định về việc thực hiện, nội quy, quy tắc ứng xử trong nhà trường của giáo viên và học sinh.

Nếu có trường hợp học sinh vi phạm về những điều đã nêu trong quy định, cần xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó, tuyên truyền và giáo dục học sinh chấp hành nghiêm túc nội quy, cách ứng xử giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Trọng cũng cho rằng mỗi giáo viên phải liên tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm, đặc biệt là trong việc xử lý tình huống. Nếu giáo viên không linh hoạt và khéo léo trong quá trình giảng dạy, có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc với học trò “ngỗ nghịch”, thiếu chuẩn mực.

Đặc biệt, thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh tới sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong quá trình quản lý, giáo dục con em. Đây yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh.

“Sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường, không chỉ chia sẻ trách nhiệm mà còn tạo môi trường học tập tích cực. Giao tiếp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ giải quyết từ nhà trường và gia đình sẽ giữ cho quá trình giáo dục trở nên suôn sẻ và đồng bộ. Điều này tạo ra cơ hội tốt, hỗ trợ học sinh phát triển đầy đủ tiềm năng, xây dựng mối quan hệ tích cực trong môi trường học đường và gia đình”, thầy Nguyễn Văn Trọng cho biết.

Từ sự việc trên, thầy Trọng cũng mong muốn giáo viên được bảo vệ tốt hơn thông qua các hình thức và biện pháp cho nghề giáo. Bởi hiện nay, giáo viên phải đối mặt với áp lực đa dạng, đặc biệt là áp lực từ phụ huynh và học sinh. Hơn nữa, thầy cô áp lực từ công việc, chuyên môn đòi hỏi đáp ứng yêu cầu đổi mới đến áp lực từ xã hội.

Nếu kỷ cương trường học thực hiện tốt, sẽ không có chuyện học sinh dám đe doạ cô giáo!

Cùng nêu quan điểm về câu chuyện trên, thầy Nguyễn Mạnh Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Yến Mao, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, không bàn tới việc ai đúng, ai sai trong vụ việc, nhưng cần đặt ra nghi vấn: Kỷ cương của trường học này có thật sự tốt?

“Để đánh giá một trường có kỷ cương hay không cần căn cứ vào những quy định của Bộ GD-ĐT về điều lệ nhà trường. Bằng quan sát video và đọc thông tin trên báo chí, tôi thấy rằng kỷ cương của trường học này là bất ổn, không có tính răn đe. Nếu kỷ cương trường học được thực hiện tốt, sẽ không có chuyện học sinh dám đe doạ, đuổi đánh, nhốt cô trong lớp như vậy.

Trong vụ việc này, cô giáo và học sinh như đứng giữa hai “chiến tuyến”, đối đầu nhau. Nhưng đây có phải là bùng phát tức thời, hay nó đã tích tụ từ lâu, đến khi “tức nước vỡ bờ” toàn trường và xã hội mới ngỡ ngàng, giật mình?”, thầy Nguyễn Mạnh Sáu nói.

Theo thầy Sáu, trên góc độ một hiệu trưởng, cần nhìn nhận một cách khách quan, bản thân cô giáo có buông lời mạt sát, quát mắng học sinh trong các giờ học hay không, để từ đó học sinh tích tụ sự bất mãn, thù hằn với giáo viên. Cũng phải nhìn nhận những học sinh này có phải là cá biệt không, hoàn cảnh gia đình, bố mẹ là người thuần chất hay là người có xu hướng bạo lực, bỏ lơ con cái.

“Nếu nắm bắt được từ sớm, có biện pháp ngăn chặn, tôi cho rằng sẽ không xảy ra chuyện như vậy”, thầy Sáu nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới kỷ cương của trường học này, thầy Sáu đặt câu hỏi về quy định học sinh sử dụng điện thoại trong trường học như thế nào? Những em học sinh này đang ở trong lớp, nhưng vẫn dùng điện thoại, đó là việc hoàn toàn sai.

“Điện thoại chỉ được cho phép sử dụng đúng theo quy định của nhà trường. Ở đây là những tiết học cần sử dụng điện thoại, hoặc chức năng phục vụ học tập hoặc học trực tuyến. Theo tôi, chịu trách nhiệm đầu tiên đó là hiệu trưởng và ban giám hiệu nhà trường vì không đủ sát sao, không duy trì kỷ cương một cách chắn chắn để dẫn tới sự việc phi giáo dục trong môi trường học đường”, thầy Nguyễn Mạnh Sáu cho hay.

Vụ việc một số học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Theo các đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, nhóm rất đông học sinh đã có hành vi đẩy, dồn cô giáo vào góc tường, ném rác vào cặp cô giáo, ném dép vào đầu cô, thậm chí buông lời chửi bới nữ giáo viên bằng những từ ngữ tục tĩu. Có cả nữ sinh tham gia tấn công giáo viên. Khi giáo viên xách túi rời lớp học, các học sinh đã chốt cửa lại, không cho cô ra ngoài. Đoạn clip cũng ghi lại cảnh cô giáo choáng váng rồi lăn ra ngất xỉu sau một loạt hành động bạo lực của nhóm học sinh.

Báo cáo của UBND huyện Sơn Dương hôm 5.12 cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 29.11. Vào tiết 3 môn Âm nhạc của lớp 7C, khi đến giờ vào lớp, một số học sinh vẫn ở ngoài, cô giáo P.T.H. (giáo viên trực tiếp giảng dạy) nhắc nhở thì bị học sinh phản ứng. Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Do vậy, giữa giáo viên và học sinh có những khúc mắc trong giờ học.

Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A. Sau tiết học, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. (nói tục, hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng lên mạng xã hội). 

Ngày 30.11, Phòng GD-ĐT huyện Sơn Dương, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh và đề xuất biện pháp xử lý. Cùng ngày, Trường THCS Văn Phú đã tổ chức họp toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 7C, 6A để tuyên truyền phụ huynh phối hợp giáo dục đạo đức học sinh, không để xảy ra sự việc tương tự.

Ngày 1 và 2.12, nhà trường đã họp, yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan viết tường trình sự việc, xác định rõ mức độ vi phạm để xem xét giải quyết theo quy định. Ngày 5.12, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cũng đã làm việc với Trường THCS Văn Phú và chỉ đạo nhà trường giải quyết vụ việc, xem xét đề xuất xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan. UBND huyện Sơn Dương cho biết sau khi có kết quả giải quyết sẽ báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan theo quy định.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.