Sáng 27.6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, với môn thi đầu tiên là Ngữ văn.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), có một trường hợp thí sinh đặc biệt là em Nguyễn Vũ Trọng, Trường Cao Đẳng Xây dựng Công trình đô thị. Vũ Trọng bị tai nạn giao thông cách ngày thi hơn 1 tuần, vừa phải trải qua ca phẫu thuật cấp cứu. Chân phải của nam sinh phải bó bột lên tới tận đùi.
Vũ Trọng chia sẻ, buổi sáng 27.6, em có mặt tại Trường Cao Đẳng Xây dựng Công trình đô thị (Gia Lâm, Hà Nội) từ rất sớm, sau đó lên xe ô tô của nhà trường, cùng thầy cô và các bạn di chuyển tới điểm thi Trường THPT Cầu Giấy. Trọng ngồi xe lăn, được các bạn sinh viên tình nguyện đón từ xe và đưa vào tận phòng thi.
Lương Sỹ Huy, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Thương Mại là một trong những sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy.
Sỹ Huy cho biết, em và các bạn trong nhóm tình nguyện đã phân công để đón Vũ Trọng ngay tại điểm dừng của xe đưa đón, cách cổng trường khoảng vài trăm mét. Sau đó, 4 sinh viên tình nguyện cùng đưa Vũ Trọng lên phòng thi: một bạn xách đồ và xe lăn, hai bạn dìu hai bên, một bạn đỡ chân bị thương.
Vì Trọng thi trên tầng 3, chân lại bó bột tới bắp đùi nên nhóm sinh viên phải rất cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới vết thương của bạn.
“Thí sinh không được cầm điện thoại vào khu vực thi nên chúng em sẽ căn giờ để lên đón bạn sau khi thi xong”, Sỹ Huy chia sẻ.
Nam sinh tâm sự, năm nay, Hội sinh viên Trường Đại học Thương mại có 25 bạn tham gia hỗ trợ tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy. Nhiệm vụ của nhóm là chuẩn bị nước để phát cho thí sinh, đưa đón thí sinh trong trường hợp mưa, hỗ trợ các trường hợp đặc biệt lên phòng thi,...
“Em đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện này vì muốn góp chút sức nhỏ bé giúp đỡ các bạn, các em tham gia kỳ thi. Biết đâu trong số những thí sinh ở đây cũng sẽ có những bạn là lứa mới của Trường Đại học Thương Mại”, Sỹ Huy nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP. Hà Nội, năm 2024, toàn thành phố có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 94.935 thí sinh (trong đó có 4.175 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.638 thí sinh (trong đó có 446 thí sinh tự do).
Số thí sinh đăng ký dự thi theo từng môn như sau: Môn Toán có 107.232 thí sinh, môn Vật lí có 29.576 thí sinh, môn Hóa học có 29.516 thí sinh, môn Sinh học có 29.144 thí sinh, môn Ngữ văn có 107.271 thí sinh, môn Lịch sử có 77.447 thí sinh, môn Địa lí có 77.361 thí sinh, môn Giáo dục công dân có 63.061 thí sinh, môn tiếng Anh có 88.424 thí sinh, môn tiếng Nga có 2 thí sinh, môn tiếng Pháp có 185 thí sinh, môn tiếng Trung có 681 thí sinh, môn tiếng Đức có 83 thí sinh, môn tiếng Nhật có 288 thí sinh và môn tiếng Hàn có 142 thí sinh.
Thành phố bố trí 4.532 phòng thi, trong đó có 201 phòng thi ghép; số phòng chờ là 176 phòng, số phòng thi dự phòng là 392 phòng. Bố trí 196 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Về phương án điều động cán bộ, giáo viên coi thi, thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi.
Theo Quy chế thi, cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình, Trưởng điểm thi và Phó Trưởng điểm thi không cùng một đơn vị, mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau. Để đảm bảo Quy chế thi, tại mỗi điểm thi, cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THPT đến từ quận/huyện/thị xã lân cận và cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THCS tại quận/huyện/thị xã nơi đặt điểm thi.
Hà Nội đã bố trí 566 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi (trong đó điểm thi dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra; từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra; tăng cường thêm thanh tra ở những điểm thi có phòng thi bố trí không tập trung). Đồng thời, thành lập Tổ giám sát gồm 14 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở GD-ĐT và Thanh tra thành phố.