Theo đó, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Với vai trò là quận trung tâm, Hoàn Kiếm phải là địa phương đi đầu trong xây dựng và phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như thực hiện Chương trình số 03 của Thành uỷ về “Chỉnh trang đô thị, Phát triển đô thị và Kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”.
Chỉ số cải cách hành chính đứng đầu thành phố
Theo đánh giá của Ban chấp hành Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, qua nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ quận đã hoàn thành 31/38 nhiệm vụ của 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI đề ra; trong đó, có 12 nhiệm vụ hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển, giai đoạn 2020 - 2023 ước tăng 9,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh dịch vụ - thương mại - du lịch phát triển hiệu quả, bền vững; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận hàng năm đều đạt và vượt dự toán được thành phố giao.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; công tác chỉnh trang, quản lý và phát triển đô thị theo Chương trình số 03 của Thành uỷ và Chương trình số 04 của Quận uỷ được tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 08 của Thành uỷ về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, quận Hoàn Kiếm là một trong 2 quận của Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình khám, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng chính sách, tiến tới việc quản lý sức khoẻ toàn dân, 100% người dân trên địa bàn được khám sức khoẻ định kỳ 1 lần/1 năm.
Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm đã từng bước thí điểm xây dựng mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường. Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT phục vụ chỉ đạo, điều hành của quận, phường được đẩy mạnh. Chỉ số cải cách hành chính được cải thiện rõ nét, năm 2020 xếp thứ 4/30 quận, huyện; năm 2022 đã vươn lên xếp thứ 1/30 quận, huyện của TP Hà Nội.
Cùng với những kết quả đạt được, Ban chấp hành Đảng bộ quận Hoàn Kiếm cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: sự phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành để quảng bá, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hoá còn hạn chế; số lượng, chất lượng các loại hình dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; việc triển khai thực hiện dự án còn vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân chưa cao; quy hoạch mạng lưới trường học chưa đáp ứng theo quy định...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình cơ sở đảng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị quận Hoàn Kiếm đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ. Đồng thời, đánh giá cao Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã rất thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại.
Trên tinh thần tự phê bình và phê bình, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ quận tiếp tục phân tích, làm rõ hơn những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: với vai trò là quận trung tâm, Hoàn Kiếm phải là địa phương đi đầu trong xây dựng và phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phải là đơn vị đi đầu trong thực hiện Chương trình số 03 của Thành uỷ về Chỉnh trang đô thị, Phát triển đô thị và Kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì hiệu quả không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gắn với không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội. Chủ động và thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, quản lý quy hoạch và quản lý trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng đô thị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội; thực hiện tốt 2 Bộ Quy tắc ứng xử, xây dựng người Hà Nội “thanh lịch, văn minh”...
"Quận Hoàn Kiếm cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình cơ sở đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa sai phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.