Được biết, sau trận mưa kỷ lục kéo dài liên tục trong 2 ngày 21 và 22.7, đến chiều 23.7, nước sông Bùi (huyện Chương Mỹ) dâng cao, tràn qua một số đoạn đê khiến hơn 1.000 nhà dân bị ngập lụt kéo dài nhiều ngày nay.
Để đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Chương Mỹ Dương Mạnh Hùng cho biết, đơn vị đã thành lập và phân công 4 đội cơ động trực thường trú cấp cứu cơ động, phòng chống dịch ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ. Trung tâm cũng tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đến 32 trạm y tế về xử lý môi trường trước, trong và sau bão, úng, lụt; đóng gói và cung cấp 1.858 gói 100g cloramin B 25%.
Tính đến hết ngày 31.7, trên địa bàn các xã bị ngập lụt, thống kê cho thấy có 11 trường hợp viêm kết mạc, 3 trường hợp tiêu chảy, 395 trường hợp mắc các bệnh ngoài da. Các ca bệnh xuất hiện rải rác tại các xã và đã được khám, cấp thuốc điều trị kịp thời. Các ca bệnh không tập trung một chỗ nên hiện tại chưa có dấu hiệu gây bùng phát thành dịch.
Bên cạnh đó, trạm y tế các xã còn thống kê các bà mẹ dự kiến sinh của các xã bị úng lụt với tổng số 32 bà mẹ dự kiến sinh đến ngày 5.8. Trung tâm Y tế huyện đã phân công cán bộ nữ hộ sinh của các xã theo dõi sát tình trạng các bà mẹ và tư vấn các bà mẹ di dời đến nhà người thân ở các vùng không bị ngập úng. Sẵn sàng phối hợp với BVĐK huyện Chương Mỹ đưa các sản phụ tới bệnh viện và cấp cứu kịp thời các ca bệnh phát sinh.
Tại huyện Quốc Oai, các tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập gồm: cầu Tân Phú, cầu Đại Thành vẫn ngập sâu 0,4m; tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 1m; tại cầu 72 II thuộc địa phận xã Cộng Hoà ngập sâu 0,5m.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai Đinh Thị Thanh cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã ban hành các kế hoạch về phòng chống thiên tai, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ năm 2024.
Từ đó thành lập đoàn giám sát nắm bắt tình hình ngập lụt tại các xã trên địa bàn. Chỉ đạo các trạm y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và công tác khám chữa bệnh có thể gây ra do tình trạng ngập úng.
Trong những ngày cao điểm vừa qua, trên hệ thống loa đài phát thanh các xã, thị trấn hàng ngày đều cung cấp thông tin về diễn biến mưa bão, hướng dẫn cấp cứu người bị thương, người đuối nước, vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác tại các điểm ngập úng…
Trung tâm đã cấp 10kg cloramin B cho xã Cấn Hữu có các điểm ngập sâu và diện rộng. Tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, ổ dịch thường xảy ra trong mùa bão lũ như đau mắt đỏ, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Trên địa bàn chưa ghi nhận ca bệnh, ổ dịch liên quan đến lụt bão.
Về mặt chuyên môn, địa phương vẫn duy trì khám chữa bệnh tại các trạm y tế. Hiện các trạm y tế trên địa bàn huyện đều không bị ngập úng nên hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Đảm bảo thường trực 24/24 và trực cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu. Phối hợp tốt với Ban chỉ huy quân sự huyện, xã cung cấp thuốc men và vật tư y tế thiết yếu cho người dân vùng bị ngập úng không thể di chuyển khi cần thiết.
Giám đốc Trung tâm Đinh Thị Thanh nhấn mạnh đơn vị sẽ tiếp tục điều tra, xác định tình hình diễn biến ảnh hưởng của bão lũ với sức khỏe nhân dân. Đề xuất biện pháp phòng chống và tổ chức phòng chống kịp thời, có hiệu quả. Sử dụng cloramin B và các hóa chất khử khuẩn mạnh để xử lý triệt để khu vực bị lụt bão.
Vệ sinh nguồn nước, thau lọc giếng, làm các bể lắng, lọc và khử trùng bằng cloramin B 1-2%. Điều tra, xác minh tình hình diễn biến dịch bệnh. Đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh 24/24.