Tranh chấp đất trong đất
Báo Đại biểu Nhân dân nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Vũ Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1958, thường trú tại 167 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, TP. Hà Nội); là người đại diện uỷ quyền của bà Nguyễn Thị Lan Phương (sinh năm 1974, thường trú tại số 34A Trần Phú, quận Ba Đình, TP Hà Nội), theo hợp đồng uỷ quyền số 198/14/2022, ngày 29.3.2022.
Theo đơn trình bày của bà Nhung cùng tài liệu gửi đến Báo, ngày 1.12.2010, bà Lưu Hoàng Lan- Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư LILAHA có viết giấy biên nhận số tiền 22,9 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Lan Phương với lý do cùng làm dự án Nguyễn Văn Huyên. Sau đó, bà Lan gửi cho bà Phương 3 tờ giấy mua đất nông nghiệp của 3 hộ dân phường Xuân La với tổng diện tích 3.013m2. Diện tích đất trên được Công ty LILAHA mua bán nhiều lần, nay thuộc chủ sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Thế kỷ (thương hiệu CEN GROUP, có trụ sở chính tại tầng 1, Tòa B Sky City, số 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội).
Tuy nhiên, theo trình bày của bà Nhung, trong số 8.600 m2 đất mà Công ty LILAHA đang triển khai dự án, có 3.013 m2 đất thuộc sở hữu của bà Phương đã mua của bà Lan từ hơn chục năm trước, nên bà Phương đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, trả lại quyền lợi cho mình.
Tại Công văn số 171/CV-LILAHA ngày 30.9.2019 về việc giải trình tố cáo của Công ty cổ phần đầu tư LILAHA, ngày 10.9.2010, UBND TP Hà Nội có văn bản số 7168/UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án: Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở tại ô đất diện tích 8.600 m2 đó, có ký hiệu D3-HH12 thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Thành phố Hà Nội chấp thuận địa điểm cho Công ty CP đầu tư LILAHA được nghiên cứu và thực hiện dự án tại lô đất có địa danh cụ thể là khu Máy Cày nêu trên theo phương thức “Tự thoả thuận” với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án. Sau đó, Công ty CP đầu tư LILAHA tiến hành mua đất nông nghiệp của 18 hộ dân, rồi đến ngày 14.6.2019, UBND quận Tây Hồ có văn bản số 800/UBND-TTPTQĐ gửi gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội báo cáo về việc “đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên 8.000 m2 đất thuộc địa giới của dự án”.
Nóng lên sau bản án
Ngày 20.1.2022, Toà án nhân dân quận Đống Đa, TP Hà Nội ra bản án số 14/2022/DS-ST tuyên việc giao dịch chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa bà Nguyễn Thị Lan Phương và ông Tống Văn Chiến (Sinh năm 1962, trú tại ngõ Hồ Cây Sữa, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) là “giao dịch vô hiệu”. Lý do của sự việc rắc rối này bởi ngày 12 .7 .2012, bà Phương đã viết tay và ký vào một bản Giấy chuyển nhượng diện tích đất 3.013m2 đất trên cho ông Chiến (có cả người làm chứng), nhưng không có chữ ký của ông Chiến, không có phiếu chuyển tiền…
Sau bản án, bà Phương và bà Nhung được uỷ quyền đã ra thực địa để đòi đất thì mới biết dự án đã bị chuyển nhượng, cổ phần của Công ty LILAHA đã bị bán 95% cho chủ khác, nên bị nhiều người nói là của chủ sở hữu mới của dự án ngăn cản, khó xác nhận ranh giới đất để phân định và rào phần đất cho bên mình. Từ đó đến nay, phía bà Tuyết Nhung đã gửi nhiều văn bản kiến nghị các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội, đề nghị dừng ngay mọi thủ tục cấp phép triển khai, thực hiện dự án “Tổ hợp văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ và nhà ở tại ô đất D3-HH12”. Thực chất đây là dự án xây dựng chung cư từ đất nông nghiệp, bao trùm lên phần đất nông nghiệp 3.013m2 tại khu Cày Máy do bà Phương đã mua của 3 hộ dân.
Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra sự tranh chấp đất trên thực địa giữa nhóm bà Nhung (được bà Phương uỷ quyền) tụ tâp đông người tranh chấp phân định gianh giới đất; tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do vậy rất mong các cấp chính quyền sớm vào cuộc, làm rõ phần đất đang tranh chấp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.