Tham dự Kỳ họp có: Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thuý Chinh…
Lượng du khách đến Hà Giang đạt gần 1.500.000 lượt
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn cho biết: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; các báo cáo của UBND tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp tỉnh. Đồng thời, thảo luận và thông qua 30 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, như: hỗ trợ phát triển du lịch; hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tỉnh thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2022”…
Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh dành thời gian nghiên cứu, phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận các báo cáo, các dự thảo nghị quyết để có các quyết định đúng, phù hợp với thực tế triển khai thực hiện.
Trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đà suy thoái kinh tế trên toàn cầu, song với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, thống nhất và đồng hành, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản phát triển ổn định và đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 6.300 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số PCI tăng 18 bậc so với năm 2021. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đến Hà Giang trong 6 tháng đạt gần 1.500.000 lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch ước đạt 3.332 tỷ đồng.
Một trong những tín hiệu đáng mừng đó là Hà Giang đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Tuyến đường này hoàn thành sẽ là "chìa khóa" mở ra cho Hà Giang nhiều cơ hội phát triển mới, khơi thông tiềm năng, thế mạnh. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo luôn được quan tâm chú trọng. Việc triển khai đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ là minh chứng rõ nét cho chủ trương, mục đích của tỉnh Hà Giang trong việc tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Đến nay, người dân đã dần thay đổi tư duy, nhận thức trong canh tác, phát huy được nội lực.
Hà Giang đang chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở để phục vụ tốt hơn đời sống, chăm lo sức khỏe cho người dân. Hiện, Dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Giang đang được thi công. Ngoài ra, công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực đồng bộ trên cả 3 phương diện là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, việc công bố thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là thành quả lớn trong lĩnh vực giáo dục, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh... Tất cả những kết quả đạt được cho thấy việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh được các cấp, ngành, các địa phương triển khai bài bản, có hiệu quả. Cùng với đó, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước đầu đạt kết quả tích cực…
Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, giai đoạn 1
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: UBND tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các sở, ngành và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trong việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện; tiếp tục triển khai khẩn trương, đồng bộ các giải pháp về thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tập trung hoàn thành các trình tự thủ tục hồ sơ đẩy nhanh tiến độ thẩm định thiết kế xây dựng đoạn Km12+500 đến Km27+480 thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các nội dung về chuyển đổi số theo thoả thuận đã ký kết giữa UBND tỉnh Hà Giang với Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng.
Mặt khác, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án cải tạo vườn tạp và Đề án phát triển bền vững cây cam sành năm 2023; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, khơi thông thị trường hàng hóa nông nghiệp; tăng cường điều tiết, tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng trồng, nâng cao hiệu quả quản lý mã số vùng trồng; đưa những loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng và có giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đẩy nhanh công tác thẩm định, giải ngân các nguồn vốn thuộc đề án cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây cam sành đảm bảo… Đặc biệt, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn các giải pháp, quyết tâm bằng mọi biện pháp cao nhất để đẩy mạnh công tác giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao nhưng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các dự án thủy điện đã thi công theo kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội; tăng cường giải pháp kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ người lao động tim kiếm việc làm. Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính…