Gs Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Là Bộ trưởng Bộ Văn hóa đầu tiên, trong 22 năm (1954 - 1976), Gs Hoàng Minh Giám đã có đóng góp to lớn đối với văn hóa Việt Nam: có các quyết định, chính sách bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng các thiết chế văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và mở rộng giao lưu quốc tế...

Phát biểu tại tọa đàm Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Gs Hoàng Minh Giám (4.11.1904 - 4.11.2014), do Bộ VH, TT và DL tổ chức, Pgs.Ts Phạm Mai Hùng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: Gs Hoàng Minh Giám là Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, khó khăn và thử thách không ít. Nhưng 22 năm trên cương vị Bộ trưởng, Gs Hoàng Minh Giám cùng lực lượng toàn ngành đã đạt được nhiều thành tích. Là người đặt nền móng cho việc tổ chức Bộ Văn hóa, Gs Hoàng Minh Giám đã tích cực xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, nhấn mạnh 3 chức năng: giáo dục tư tưởng, nâng cao kiến thức, thỏa mãn nhu cầu giải trí của nhân dân. Đây vẫn là kim chỉ nam cho việc tổ chức quản lý, điều hành hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày nay. Ông cũng có công xây dựng hệ thống tổ chức của ngành từ T.Ư đến địa phương để vừa đảm nhận chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, con người mới. Hệ thống tổ chức này chưa từng có dưới chế độ cũ.

Gs Hoàng Minh Giám cũng quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các cơ sở đào tạo cán bộ văn hóa như thư viện, bảo tàng, nhà xuất bản, nhà in, báo chí, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn; trường Cán bộ văn hóa (nay là trường ĐH Văn hóa Hà Nội)… Trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, ông chỉ đạo hoạt động nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình tuồng, chèo, cải lương, quan họ… Bên cạnh đó, tiếp cận các bộ môn nghệ thuật mới: giao hưởng, hợp xướng, opera, ballet… Thời kỳ 1954 - 1976 cũng ghi những dấu ấn của điện ảnh cách mạng. Các bộ phim đề tài chiến tranh, cuộc sống lao động như: Vợ chồng A Phủ (1961), Con chim vành khuyên (1962), Chị Tư Hậu (1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)… đã giành nhiều giải thưởng tại LHP quốc tế và trong nước, được khán giả yêu thích. Từ 10 đội chiếu bóng lưu động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 cả nước đã có hàng trăm đội và đến 1975 có 1.500 đội chiếu bóng ở miền Bắc và 300 đội chiếu bóng tại các vùng giải phóng miền Nam.

Gs Hoàng Minh Giám cũng đề ra chính sách bảo tồn các di tích lịch sử, di tích cách mạng, hiện vật quý. Ông Vũ Công Hội - Vụ Văn hóa - Nghệ thuật, Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết: ngày 17.9.1959, Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 775-VH/ND thành lập Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ. Năm 1962, lần đầu tiên Bộ Văn hóa tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia, di vật quý. Từ 1962 - 1976, Bộ Văn hóa đã công nhận 117 di tích lịch sử - văn hóa, chủ yếu ở miền Bắc (114 di tích), tạo hành lang pháp lý để giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc, ngăn chặn tình trạng phá hoại di tích, di vật quý. Trong số những di tích được xếp hạng quốc gia đầu tiên là khu vực Thành Cổ Loa, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Voi Phục, ngôi nhà 5D Hàm Long (Hà Nội), khu vực đền, lăng nhà Trần (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), đình Đình Bảng, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình)… Các di tích được công nhận, xếp hạng có giá trị về lịch sử, kiến trúc và danh thắng trên đã được chính quyền và nhân dân các địa phương bảo vệ, giữ gìn đến ngày nay.

Gs Hoàng Minh Giám cũng là người có tầm nhìn sâu rộng về hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đối với tinh hoa văn hóa thế giới, ngành văn hóa đã mở rộng cửa đón nhận tất cả tinh hoa về văn học, nghệ thuật để phục vụ nhân dân, đồng thời cũng sẵn sàng giới thiệu rộng rãi nền văn hóa dân tộc chân chính của mình ra các nước. Gs Hoàng Minh Giám đã ký kết 54 Nghị định thư về trao đổi văn hóa giữa nước ta với các nước, cử 98 đoàn văn hóa ra nước ngoài công tác và biểu diễn, đón tiếp 110 đoàn văn hóa - nghệ thuật của nước ngoài vào công tác, biểu diễn, tham gia liên hoan phim, triển lãm mỹ thuật quốc tế… bước đầu đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam tới các nước để giới thiệu và quảng bá.

Hơn 20 năm đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Văn hóa, Gs Hoàng Minh Giám đã có tầm nhìn chiến lược trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, biến văn hóa thành sức mạnh mềm, thành vũ khí góp phần khích lệ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta - ông Vũ Công Hội khẳng định.

 Gs Hoàng Minh Giám (1904 - 1995), ngày 30.8.1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 3.1946). Tháng 11.1946, ông được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (3.1947 - 9.1954). Gs Hoàng Minh Giám là trợ thủ tin cậy và đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hầu hết hoạt động ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; góp phần đưa Cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”. Gs Hoàng Minh Giám là Ủy viên Ban thường trực Quốc hội Khóa I, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Khóa VI (1976 - 1981), Đại biểu Quốc hội từ Khóa I (1946) đến Khóa VII (1987)...

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.