Tham dự Hội thảo có đại diện Trung tâm Luật Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm trọng tài quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), TAND TP.HCM; TAND Cấp cao tại TP.HCM; Viện KSND TP.HCM; Sở Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự; Trung tâm trọng tài Thương nhân Việt Nam…, Hội thảo do Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chủ trì.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật, Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như: Thỏa thuận của trọng tài; Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của trọng tài viên trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Cơ chế xem xét lại quyết định của Toà án với quyết định huỷ phán quyết của TTTM; Thời hiệu khởi kiện…
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật TTTM để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025.
Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật TTTM, Th.s Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Phó Chánh án TAND TP.HCM đã thông tin về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến TTTM.
Theo đó, từ ngày 1.1.2011 đến ngày 30.9.2020, TAND TP.HCM đã xem xét khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền 13 vụ; Thu thập chứng cứ 11 vụ; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 27 vụ; Đăng ký phán quyết trọng tài 4 vụ; Yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài 217 vụ.
TAND TP.HCM đã giải quyết 213 vụ; đình chỉ 19 vụ; Không chấp nhận yêu cầu 145 vụ; Hủy phán quyết trọng tài 49 vụ (chiếm 23%).
Th.s Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Phó Chánh án TAND TP.HCM cũng nêu ra những bất cập của Luật TTTM năm 2010 như phạm vi điều chỉnh của Luật TTTM chưa được quy định rõ ràng; ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài; gửi thông báo và trình tự gửi thông báo; tiêu chuẩn, quyền nghĩa vụ của trọng tài viên; thời hiệu thi hành…
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo, ngoài ra Sở Tư pháp đóng góp như: Tại mục 1, phần I của dự thảo báo cáo đề nghị bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tại mục 1, phần II của dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến khái niệm hoạt động thương mại vì hiện nay pháp luật về trọng tài thương mại và hoà giải thương mại chưa định nghĩa hoạt động này…
Tại điểm a mục 1.2, phần II của dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung hoàn thiện và bổ sung một số khái niệm liên quan đến hoạt động trọng tài theo hướng thống nhất giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế để mở rộng thẩm quyền của TTTM trong việc giải quyết các thủ tục tranh chấp có liên quan.
Tại mục 3, phần III đề nghị điều chỉnh cụm từ “bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài” thành “phán quyết của trọng tài nước ngoài”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ thì Luật TTTM còn những tồn tại, bất cập về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của TTTM, quyền nghĩa vụ của trọng tài viên, các quy định về phán quyết của trọng tài, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của trọng tài viên trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, chủ trương khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải bằng trọng tài được ghi nhận trong rất nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đây là chủ trương rất quan trọng, nhằm mở rộng các hình thức giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh thương mại và các quan hệ khác thông qua các hoạt động trọng tài.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, khi thực hiện Nghị quyết 49, giới luật gia rất chú trọng vấn đề này, bởi giải quyết những tranh chấp thông qua tư pháp, tòa án rất quan trọng nhưng giải quyết bằng trọng tài, hòa giải thương lượng tạo ra cơ chế rất hay cho doanh nghiệp để hoạt động.