Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng và Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với các mục tiêu, nội dung nêu tại Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Các đại biểu nhấn mạnh, việc đầu tư Chương trình là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững, phù hợp với quan điểm định hướng phát triển văn hóa của Đảng và xu hướng hội nhập trong giai đoạn mới, đồng thời sẽ góp phần bảo tồn các di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và hưởng thụ văn hóa cho người dân. Việc đầu tư Chương trình cũng sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của những người làm văn hóa, cũng như xu thế phát triển chung; thể hiện được vấn đề văn hoá đã được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung thành phần, nhiệm vụ cụ thể, chỉ tiêu, hoạt động chi tiết trong Chương trình. Theo đó, để thực hiện Chương trình khả thi, hiệu quả cao, nhiều ý kiến cho rằng, cần có tỷ lệ ngân sách địa phương đối ứng phù hợp và nên chia theo khu vực, địa phương; các chỉ tiêu về thiết chế văn hóa cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn, gắn với hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền, có chế tài mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ đạt được các chỉ tiêu.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh, việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là chủ trương lớn, phạm vi rộng, được cử tri và Nhân dân quan tâm, do đó, cần tiếp tục rà soát từng nội dung, lựa chọn mục tiêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư để tạo chuyển biến thực sự, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải hài hòa để phù hợp với yêu cầu phát triển chung. Từ đó, thu hút thêm nguồn lực, tạo điều kiện sử dụng hiệu quả hơn các thiết chế văn hoá, góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, tập trung của các đại biểu tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới.