Điểm d, Khoản 4, Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định đối với các trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền. Tuy nhiên, Thông tư 01/2020/TT-BTP đã rút gọn các trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền gồm: Ủy quyền nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ; Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, việc Thông tư 01/2020/TT-BTP hạn chế các trường hợp được chứng thực trên giấy ủy quyền đã gây ra khá nhiều bất cập cũng như khó khăn đối với người dân. Cụ thể: Khoản 2, Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP cho phép được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền nộp hộ, nhận hộ hồ sơ nhưng lại không cho phép chứng thực chữ ký đối với trường hợp ủy quyền rút lại hồ sơ; Được chứng thực chữ ký đối với ủy quyền nhận hộ trợ cấp, phụ cấp, lương hưu nhưng không được chứng thực chữ ký đối trường hợp ủy quyền nhận hộ các khoản cấp dưỡng, lương (không phải hưu)… Điều này dẫn đến việc một số trường hợp ủy quyền có nội dung đơn giản như ủy quyền rút hồ sơ, ủy quyền trông nom tài sản mà không phải nhà ở, ủy quyền nhận hộ các khoản cấp dưỡng… sẽ có thủ tục phức tạp hơn. Bởi, thay vì trước đây được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền nay người dân phải tiến hành lập hợp đồng ủy quyền thì mới được công chứng, chứng thực.
Bên cạnh đó, việc phải lập hợp đồng ủy quyền đối với những trường hợp có nội dung đơn giản như trên thì gây bất tiện, tốn kém, mất thời gian cho người dân. Bởi lẽ, việc lập hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải có chữ ký của hai bên trong khi làm giấy ủy quyền chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền. Ngoài ra, việc chứng thực chữ kí trên hợp đồng ủy quyền được thực hiện tại UBND cấp xã hoặc công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, căn cứ vào Khoản 2, Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định UBND cấp xã được chứng thực hợp đồng đối với các hợp đồng liên quan đến bất động sản, liên quan đến các quyền của người sử dụng đất, nhà ở. Theo đó, các hợp đồng ủy quyền không thuộc các trường hợp nói trên thì UBND cấp xã không thể tiến hành chứng thực hợp đồng trong khi đó các tổ chức hành nghề công chứng không phải địa phương nào cũng có, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Đáng lưu ý, theo công văn số 979/HTQTCT-CT ngày 28.9.2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực thuộc Bộ Tư pháp quy định: Đối với các trường hợp ủy quyền cho thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì không được chứng thực văn bản ủy quyền mà phải chứng thực hoặc công chứng hợp đồng ủy quyền. Trong khi đó, Thông tư 01/2020/TT-BTP lại cho phép trường hợp này được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.