Góp ý dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, 4 vấn đề quan trọng đối với điện ảnh hiện nay là phải bảo đảm tư tưởng, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đúng pháp luật; không đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc; và gắn với kinh tế, du lịch.
“Trong bối cảnh chúng ta muốn thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, thì phải gắn điện ảnh với kinh tế, du lịch mới tạo ra giá trị gia tăng và tác phẩm điện ảnh mới có đời sống dài lâu” - ĐBQH Triệu Thế Hùng nói; đồng thời cho rằng thủ tục hành chính trong lĩnh vực này rất quan trọng. “Chúng ta phải có sự đổi mới, cởi mở về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, coi đây là cách để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, cùng với Nhà nước, phát triển điện ảnh Việt Nam. Các quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần giảm bớt giấy phép con, làm rõ các hình thức góp vốn làm phim”.
Cơ chế hợp tác công - tư không chỉ trong lĩnh vực sản xuất phim, mà theo ông Hùng, còn cả ở khâu phổ biến phim, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi thực tế hiện nay, được xem phim chiếu rạp vẫn là điều xa xỉ với đa số người dân ở những khu vực này.
“Mọi sửa đổi pháp luật cần hướng tới đưa các tác phẩm điện ảnh giá trị đến với đông đảo quần chúng nhân dân để điện ảnh thực hiện chức năng quảng bá, tuyên truyền, giáo dục của mình, gắn với các mặt đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, từ đó tác động trở lại cho ra đời những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao”.