Không dễ thực hiện
Để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở linh hoạt, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập thì phân luồng và liên thông là những giải pháp quan trọng. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo” do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức chiều 22.12.
Tuy nhiên, thực tế phân luồng và liên thông đang đặt ra nhiều vấn đề. TS Phan Chính Thức, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội chỉ ra: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp xác định mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 “Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp” và đến năm 2030 tỷ lệ này là 50 - 55%. Đây là những chỉ tiêu rất cao và không dễ thực hiện trong khi hiện nay tỷ lệ này mới chỉ đạt trên khoảng hơn 15% theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Luật Giáo dục năm 2019 quy định điều riêng về phân luồng trong giáo dục và những quy định cụ thể tại khoản 3, khoản 4, Điều 34 để tạo điều kiện thuận lợi cho phân luồng sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp.
Những quy định về liên thông trình độ trung cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trình độ đại học đã được cụ thể hóa trong Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên quy định pháp luật mới chỉ đề cập đến liên thông từ trình độ thấp lên trình độ cao mà chưa đề cập đến liên thông theo hướng từ trình độ cao xuống trình độ thấp và các hướng khác. Trong giáo dục nghề nghiệp cũng chưa đề cập đến liên thông từ trình độ sơ cấp lên trung cấp và cao đẳng.
Điều này dẫn đến những năm vừa qua, mặc dù công tác đào tạo liên thông, phân luồng giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Thực tế mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa THPT (bao gồm cả khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình GDTX cấp THPT) tuy có tạo sự hấp dẫn ban đầu cho học sinh nhưng trong tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong tổ chức đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bảo đảm tính mở và linh hoạt
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định Đinh Văn Hoản phân tích nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, phân luồng giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp: Tâm lý chạy theo bằng cấp cao còn nặng nề, văn hóa “khoa bảng” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong triển khai giải pháp phân luồng. Trong khi đó, các cấp chính quyền địa phương tập trung quan tâm đầu tư cho giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, chưa quan tâm nhiều đến đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp…
“Ngoài ra, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp chưa cao, những hạn chế về chính sách lao động việc làm và chính sách lương đối với người tốt nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng cũng dẫn đến hạn chế trong việc thu hút học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, ông Đinh Văn Hoản nói.
Theo các chuyên gia, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác đào tạo liên thông, phân luồng giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong đó, then chốt là tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm và làm việc đúng ngành nghề đào tạo… Đồng thời, bảo đảm tính mở và linh hoạt cho phép liên thông giữa các ngành, cơ sở giáo dục tiếp cận các bậc trình độ khác nhau.
Từ bài học của Australia, Tham tán Phát triển Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Cherie Russell cho biết, trong lĩnh vực giáo dục sau trung học của Australia, bao gồm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, tính liên thông và lộ trình chuyển tiếp được đặc biệt chú trọng. Theo đó, người học không bị bó buộc vào một lộ trình nghề nghiệp duy nhất và có thể dễ dàng thay đổi ngành nghề khi năng lực, kiến thức và kỹ năng hiện có của họ được công nhận chính thức trong ngành hoặc lĩnh vực mới.
“Hệ thống giáo dục sau trung học của Australia rất mở và linh hoạt, cho phép đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cũng như thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời, qua đó hỗ trợ phát triển lực lượng lao động linh hoạt, di động và có thể thích ứng khá nhanh với nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chiến lược, chính sách và quy định hỗ trợ về liên thông, lộ trình chuyển tiếp là những yếu tố chính của hệ thống mở, linh hoạt này” - Bà Cherie Russell gợi ý đây có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam để góp phần “gỡ khó” cho bài toán phân luồng, liên thông đang được đặt ra hiện nay.