Văn hóa - Du lịch

Giữ sắc màu thổ cẩm Pa Cô

Sống giữa núi rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, dệt vải thổ cẩm gắn liền với cuộc sống thường ngày của phụ nữ Pa Cô; từ đó, các loại trang phục đã ra đời, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Xã A Bung, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, được biết đến như cái nôi của nghề dệt truyền thống của đồng bào Pa Cô. Trong ký ức của những người cao tuổi, từ xa xưa, bé gái Pa Cô đã gắn liền với tiếng lách cách của khung cửi và những sợi đầy sắc màu; người con gái Pa Cô trước khi lấy chồng phải tự tay dệt được những tấm vải đẹp mới được đánh giá là đảm đang, giỏi giang...

Truyền dạy dệt thổ cẩm và tạo sản phẩm tại xã A Bung - Ảnh: TTXVN
Truyền dạy dệt thổ cẩm và tạo sản phẩm tại xã A Bung. Ảnh: TTXVN

Trang phục truyền thống luôn có mặt trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời mỗi người Pa Cô; các nghệ nhân cho biết, để dệt nên một tấm vải đẹp thường phải mất 3 - 5 ngày, rồi thêm 2 - 3 ngày cắt may hoàn thiện một bộ trang phục như ý. Nghề dệt thổ cẩm không đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp dùng trong cuộc sống và sinh hoạt, mà nó còn chứa đựng cả linh hồn của người Pa Cô từ bao đời gửi gắm vào đó.

Tuy vậy, đời sống hiện tại đã tác động không nhỏ đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống; có thời gian, nhiều nghề thủ công truyền thống gắn bó lâu đời với đời sống người dân tộc Pa Cô ở các thôn bản vùng cao đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Những người biết dệt thổ cẩm hầu hết đã lớn tuổi, cộng thêm sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc, nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng đã đổi khác. Một thời gian dài, những khung cửi thưa tiếng thoi đưa, những bản làng vắng bóng dần sắc màu áo váy thổ cẩm.

Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Pa Cô đã dần được khôi phục và phát triển; bà Hồ Thị Chưa, Tổ dệt vải xã A Bung cho biết: nhận thức được giá trị, ý nghĩa của nghề dệt thổ cẩm đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc, với sự quan tâm của UBND xã, các chị em đã cùng nhau thành lập tổ dệt vải, mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho mọi người. Bởi vậy, sau một thời gian dài những khung cửi bị quên lãng, nghề dệt đã trở lại trong mỗi nếp nhà sàn, mỗi bản làng.

Lưu giữ nghề và phát triển kinh tế

Chính quyền địa phương đã kêu gọi các tổ chức, dự án nước ngoài quan tâm, hỗ trợ để phát huy, khai thác các tiềm năng, lợi thế có sẵn của nghề; nhờ vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương ngày càng phát triển; hiện nay, tại xã A Bung đã tập hợp, thành lập được 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm của người Pa Cô.

Trang phục truyền thống gắn bó với người Pa Cô - Ảnh: tinhuyquangtri.vn
Trang phục truyền thống gắn bó với người Pa Cô. Nguồn: tinhuyquangtri.vn

Ông Hồ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cơ sở dệt thổ cẩm phát triển sản xuất mặt hàng truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, xã có chính sách miễn phí hoàn toàn cho những ai thích học nghề dệt thổ cẩm để phát triển và giữ nghề dệt thổ cẩm của địa phương cũng như gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Pa Cô...

Từ khi khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, bà con rất phấn khởi khi những bộ trang phục truyền thống không chỉ nằm trong phạm vi của xã, ngày càng vươn xa, được nhiều người biết đến. UBND xã A Bung quy định đội ngũ cán bộ, công chức xã may đồng phục bằng thổ cẩm để mặc vào ngày thứ Hai trong giờ hành chính và các ngày lễ, Tết, lễ hội hay kỷ niệm của địa phương; đồng thời tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn thường xuyên mặc trang phục thổ cẩm; cách làm này đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Pa Cô, tạo đầu ra cho sản phẩm truyền thống của địa phương.

Không chỉ ở xã A Bung, hiện nay, nhiều cơ quan đoàn thể của huyện Đa Krông đã sử dụng các sản phẩm dệt thủ công để may trang phục công sở, lễ hội và phục vụ cuộc sống hàng ngày. Để các sản phẩm dệt thổ cẩm có thể vươn xa tới nhiều thị trường, huyện Đa Krông đang thực hiện các tiêu chí theo quy định để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống ở xã A Bung trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm ở A Bung còn gặp không ít khó khăn; do phong tục tập quán nên chị em dệt tại nhà là chủ yếu, rất khó dệt tập trung. Bên cạnh đó, dệt hoàn toàn thủ công, chưa được đầu tư máy móc hiện đại nên để xong một sản phẩm mất nhiều thời gian, đường may chưa được tinh xảo dẫn đến mẫu mã chưa đẹp, giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác. Phần lớn thành viên của tổ dệt là con em hộ nghèo, gia đình khó khăn nên thiếu vốn để mua vật liệu duy trì và phát triển nghề...

Mong muốn nghề truyền thống này phát triển bền vững, ông Hồ Văn Hiền đề xuất các cấp, các ngành, chương trình, dự án quan tâm hỗ trợ thiết kế các mẫu hoa văn, sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại để sản phẩm đẹp hơn, giá thành giảm, tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.