Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) từng nổi tiếng với những tấm lụa mềm mại, hoa văn tinh xảo, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Mỗi năm, làng tơ lụa Vạn Phúc sản xuất hàng triệu mét vuông vải để đưa ra thị trường. Trải qua nhiều thế hệ, cho tới nay, làng nghề lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và phát triển theo xu hướng hiện đại trong ngành dệt.

Người thợ thủ công đang dệt lụa.
Mỗi sản phẩm lụa là một câu chuyện, không chỉ phản ánh kỹ thuật mà còn cả tâm hồn người thợ dệt. Sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng đặc sắc và đặc biệt về chất lượng.
Lụa Vạn Phúc được sản xuất hoàn toàn thủ công với bàn tay khéo léo tạo ra những tấm lụa mềm mại, thoáng mát. Hoa văn trên lụa cũng là một nét đặc biệt. Những hoa văn được sử dụng gồm có 4 dòng chính đó là: Phong cảnh, linh vật, hình khối, hoa văn tâm linh. Hoa văn được dệt trực tiếp chứ không in lên vải như các loại hàng nhập cũng chính là một nét độc đáo của sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Để làm ra được những sản phẩm lụa đẹp, phải cầu kì từ sợi tơ: đều, trắng, bóng, dai là 4 yếu tố quan trọng khi người thợ chọn tơ. Đặc tính của tơ tằm rất mảnh nên khi quấn vào những con suốt rất dễ bị đứt, người thợ phải cực kì tỉ mỉ và nhẹ nhàng trong khâu quấn tơ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm ở làng lụa Vạn Phúc cho biết: “Trước đây mình phải chọn tơ, nhưng khi công nghệ tiên tiến hơn đã tiết kiệm được nhiều thời gian. Sau khi chọn tơ, đến khâu guồng tơ, sau khi guồng lên ống thì sẽ khâu mắt dọc tùy theo từng mặt hàng. Tất cả các khâu cho đến người dệt phải nắn nót, trên một cái máy dệt có trên 10.000 sợi dọc thế nên thợ dệt phải chăm chú và cẩn thận để không bị đứt sợi, và lỗi ngang”.

Những kén tằm vàng- nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất sợi tơ trong quá trình dệt lụa.

Tơ được ngâm trong nước để đảm bảo được độ mềm khi dệt.

Guồng quay tơ thủ công vẫn được sử dụng.

Người thợ tỉ mỉ chỉnh sợi tơ trên khung dệt.

Người thợ dệt chỉnh sợi to trên khung cửi
Hiện nay, đứng trước thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhận thức được rõ về tầm quan trọng của việc duy trì nét độc đáo và riêng biệt của lụa Vạn Phúc sẽ bị mai một, một số nghệ nhân của làng vẫn miệt mài giữ lửa nghề dệt truyền thống.
Tại phường Vạn Phúc, hiệp hội làng nghề đã thành lập tổ kĩ thuật, đưa thương hiệu làng nghề vào biên vải để khách hàng, khách du lịch dễ nhận biết tránh nhầm lẫn với các mặt hàng khác.
Song song với đó là các chính sách bảo tồn, kết nối sản phẩm với thị trường trong và ngoài nước. Việc đưa sản phẩm lụa Vạn Phúc vào các kênh phân phối hiện đại, tham gia vào các hội chợ quốc tế cũng góp phần nâng cao giá trị thương hiệu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các sản phẩm công nghiệp ngày càng chiếm ưu thế, việc giữ gìn và phát huy nghề dệt lụa truyền thống không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc. Lụa Vạn Phúc- với vẻ đẹp tinh xảo và linh hồn Việt - là sợi chỉ kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.