Truyện về Hồ Chí Minh là cuốn sách có giá trị, góp phần làm sáng rõ cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh gồm 36 câu chuyện, mỗi câu chuyện được kể bởi những nhân vật được cho là từng làm việc, hoạt động cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoặc viết nên từ các tư liệu lịch sử phong phú khác nhau. Cuốn sách được kể bằng văn phong mộc mạc, cuốn hút, dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần cung cấp nguồn tài liệu quý, làm sáng tỏ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tháng 6.1949 Nhà xuất bản Bát Nguyệt (Thượng Hải, Trung Quốc) đã xuất bản, phát hành cuốn sách Hồ Chí Minh truyện. Cuốn sách được Trương Niệm Thức dịch từ một tác phẩm của Trần Dân Tiên.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, NXB Chính trị quốc gia Sự thật nhận thấy, đây là một cuốn sách có giá trị, góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên dịch và xuất bản cuốn sách tiếng Trung này sang tiếng Việt với tinh thần tôn trọng và bám sát tối đa bản gốc từ nội dung đến hình thức thể hiện với tựa đề Truyện về Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Thị Trang, Biên tập viên Ban sách Đảng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trong cuốn sách có không ít câu chuyện cảm động và ấn tượng. Trong đó có nhóm các câu chuyện số 11, 12, 13, kể về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp và bắt đầu tìm hiểu về những vấn đề lý luận chính trị.
Lúc này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc rất tích cực tham gia và hoạt động sôi nổi trong các chương trình của Đảng Xã hội Pháp, đặc biệt là các cuộc mít-tinh bàn về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi lúc mọi nơi, chắt chiu, dành dụm tiền để tìm mua và đọc sách, báo; sau đó là học viết báo, và sáng lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) với tôn chỉ là khơi dậy tinh thần đấu tranh chống thực dân và sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa.
"Ngay từ thời điểm ấy, khi mà hệ tư tưởng và con đường cứu nước vẫn chưa hình thành rõ nét, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rất rõ vai trò của sách, báo, tạp chí với tư cách là công cụ truyền bá tư tưởng và là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng.
Muốn xây dựng, bảo vệ và phát triển tư tưởng cách mạng, nhất thiết phải có sách, báo, tạp chí cách mạng và những người "chiến sĩ" tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và được Đảng ta kế thừa, phát triển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong tình hình mới", TS. Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Nói về việc tiếp cận cuốn sách, dịch giả Dương Trung Dũng cho hay, việc tiếp cận với bản tiếng Trung là một quá trình lâu dài. Khi anh đề nghị dịch giả Nguyễn Hải Hoành dịch cuốn sách, ông cũng quyết tâm rất cao dù đã 82 tuổi và đang mang bệnh suy tim.
"Bản dịch được thực hiện rất cẩn thận trong gần một năm. Chúng tôi vui mừng vì có một bản sách gốc, bổ sung được các tư liệu mới về Hồ Chí Minh", dịch giả Dương Trung Dũng bày tỏ.
Là nhà khoa học dành trọn cuộc đời mình với nghiên cứu Hán học, văn hóa, tư tưởng Phương Đông, đảm nhận vai trò hiệu đính của cuốn sách, PGS.TS. Lê Văn Toan (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, cuốn sách xuất bản năm 1949 bằng chữ Hán có thể do Trương Niệm Thức chuyển dịch từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Hán nên cách diễn đạt bảo đảm được tư tưởng, câu chữ theo văn phong Hán ngữ.
Chính vì vậy, khi biên dịch và hiệu đính cần có những chuyển ngữ sao cho vừa bảo đảm tính chính xác về hàm nghĩa, rõ ràng của một tác phẩm truyện ký, lại vừa phải mang đậm văn phong của tiếng Việt để tạo sự gần gũi và rung cảm của độc giả Việt Nam.