Đề thi giữ sự ổn định về cấu trúc, format so với các năm trước
Theo các thầy cô Tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục HOCMAI, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay giữ sự ổn định về cấu trúc, format so với các năm trước, mỗi môn thi thành phần Vật lý, Hóa học và Sinh học gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút. Nội dung đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.
Các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70-75% số câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết và Thông hiểu, 25%-30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao.
Với môn Vật lý, đề thi giữ ổn định về cấu trúc nội dung như đề thi chính thức năm 2023 và tương đồng với đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Đề gồm 45% (18 câu) số câu hỏi trong đề là bài tập tính toán, 55% (22 câu) số câu hỏi lí thuyết. Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lý 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Sóng ánh sáng.
Ma trận đề thi mộn Vật lý như sau:
Với môn Hóa học, đề thi không quá khó, với 75% câu hỏi (30/ 40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, 25% câu hỏi (chiếm 10/ 40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Trong các câu thuộc khoảng điểm 7,5 - 10 điểm, có 1 câu lớp 11, còn lại thuộc chương trình lớp 12 với độ khó tương đương đề thi Tốt nghiệp THPT môn Hóa năm 2023.
Đề thi không có câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Trong đề xuất hiện một số câu hỏi tính toán gắn liền với đời sống thực tế, nhằm kiểm tra khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống của thí sinh.
Ma trận đề thi mộn Hóa học như sau:
Với môn Sinh học, đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD-ĐT đã công bố qua đề thi tham khảo. Đề phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, có độ phân hóa tốt để xét tuyển đại học. Đề đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, giảm yếu tố tính toán, tăng bản chất sinh, thí sinh cần kĩ năng đọc hình và bảng biểu và sơ đồ.
Về độ khó của đề thi, 60% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp. Chỉ có 40% câu hỏi dùng để phân hóa trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao.
Về phân bố kiến thức và ma trận đề môn Sinh học (dựa trên mã đề 223):
Về độ khó của đề và phổ điểm môn Sinh học, các thầy cô Tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá, nhìn chung,với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp. Chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh có thể đạt được điểm 5 đến 6 một cách dễ dàng.
Để đạt được mức 7 - 8 đòi hỏi thí sinh phải hiểu môn Sinh thật cẩn thận, để đạt 9-10 thì tương đối khó vì đề dài và thí sinh phải thực sự có kĩ năng xử lý nhanh. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5 - 6,5 điểm. Đề không quá khó nhưng dài, các học sinh giỏi và có kỹ năng tốt có thể đạt điểm 10.
Đề thi Hóa học, Vật lý đảm bảo phân hóa tốt
Theo cô Đỗ Thanh Hà, Tổ trưởng Tổ Hóa Sinh Trường THPT Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), cấu trúc đề thi Hóa học năm nay giữ ổn định, gần tương tự đề minh họa. Đề thi có 3 câu kiến thức lớp 11, còn lại 37 câu thuộc kiến thức 12.
30 câu đầu của đề thi giữ mức độ hiểu biết cơ bản, đảm bảo cho mục tiêu học sinh tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với các câu vận dụng, vận dụng cao thuộc vùng kiến thức Este, vô cơ, học sinh hầu như đã được tiếp xúc trong các đề thi thử của Sở GD-ĐT.
Tuy vậy, cô Hà cho rằng, đề thi thật khó hơn đề minh họa. Các câu mức độ vận dụng tốn thời gian thực hiện hơn đề minh họa. Đề thi vẫn đảm bảo phân hóa tốt giữa các bạn mục tiêu tốt nghiệp và các bạn mục tiêu đại học. Phổ điểm trung bình dự kiến 7 điểm và sẽ có nhiều điểm khoảng 9, 10.
Thầy Vũ Thế Anh, Tổ trưởng Tổ Vật lý - Công nghệ - Thể dục, Trường THPT Khoa học Giáo dục cho rằng, đề môn Vật lý thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo độ phân hoá cao. Các thí sinh, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả làm căn cứ xét tuyển thí sinh vào các chương trình đào tạo đại học chính quy.
Ma trận, cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Vật lý năm 2024 không thay đổi nhiều so với các năm trước đó, bám sát đề thi tham khảo năm 2024 và đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Đề thi chủ yếu ra vào phần kiến thức lớp 12. Lớp 11 có khoảng 4 câu thuộc các chủ đề: Điện tích - Điện trường; Dòng điện không đổi; Dòng điện trong các môi trường; Cảm ứng điện từ.
Các câu hỏi lớp 11 thường không quá khó, trong đó có 3 câu mức độ nhận biết, thông hiểu và 1 câu mức độ vận dụng (bậc 1). Học sinh học lực trung bình khá trở lên có thể dễ dàng chọn được đáp án đúng cho câu hỏi. Phần kiến thức lớp 12 có đầy đủ các câu hỏi xuyên suốt 7 chủ đề, các câu hỏi vận dụng cao của đề thi rơi chủ yếu trọng tâm vào các chủ đề: Con lắc lò xo; Giao thoa sóng cơ; Giao thoa sóng ánh sáng; Dòng điện xoay chiều.
Số câu hỏi dễ hẳn thuộc nhóm cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng bậc 1 nằm trong 30 câu đầu. Do vậy, học sinh nắm chắc các kiến thức cơ bản, có thể đạt được mức 7,0 điểm. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp học sinh chưa thuộc kĩ một số kiến thức lý thuyết rất dễ chọn sai đáp án do cách thức hỏi của đề bài.
Theo thầy Vũ Thế Anh, để đạt 7,75 - 8,25 điểm, thí sinh cần lưu ý thêm các bài tập như: Bài toán C biến thiên kết hợp biểu diễn phức trong dòng điện xoay chiều để viết biểu thức điện áp giữa hai đầu phần tử bất kỳ (câu 31, mã đề 214 yêu cầu viết biểu thức điện áp hai đầu cuộn cảm,…); Đồ thị dao động điều hoà; Thí nghiệm tạo sóng dừng để tính tốc độ truyền sóng trên dây; Mạch dao động điện từ kết hợp biểu diễn trên vòng tròn lượng giác; …
Cũng theo thầy Thế Anh, đề thi năm nay tiếp tục có độ phân hoá rõ rệt ở các câu hỏi từ 36 trở đi. 5 câu hỏi cuối trong đề thi được xếp vào nhóm Vận dụng cao với mục đích phân loại học sinh giỏi - xuất sắc, phấn đấu đạt mức điểm 9+.
Tuy nhiên, vẫn có 1 câu hỏi thuộc phần Hạt nhân nguyên tử tính tuổi của cổ vật (Câu 39, mã đề 214) mà khi ôn tập, luyện đề các thầy cô cũng đã chữa kiểu dạng bài tương tự. Học sinh có kiến thức chắc chắn vẫn có thể bình tĩnh, biến đổi và vận dụng các công thức liên quan để ra được đáp số đúng của câu hỏi.
"Với đề thi môn Vật lý, học sinh muốn đạt được điểm cao, mức điểm 8 trở lên cần nắm chắc kiến thức cơ bản, bao gồm cả những kiến thức lý thuyết ứng dụng thực tiễn và làm thêm được các bài tập cấp độ vận dụng, vận dụng cao. Dự đoán phổ điểm môn Vật lý tập trung ở mức 7 - 7,5 điểm", thầy Vũ Thế Anh nói.