Giao thoa văn hóa Việt - Lào

Việt - Lào hai nước chúng ta Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long Lời thơ của Bác Hồ chỉ bấy nhiêu đã đủ diễn tả quan hệ gắn bó khăng khít giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. “Đất nước triệu voi” có chung đường biên giới giáp nửa phía Tây Việt Nam, nên có lẽ chẳng mấy khó khăn để tìm thấy dấu ấn văn hóa Lào tồn tại ở nhiều nơi trên đất Việt và ngược lại.

Người Việt và người Lào đều sống hòa hiếu, mềm dẻo, cần cù lao động và trọng nghĩa tình. Người Việt và người Lào cũng có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa - đều là nơi có văn minh lúa nước, có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh và tinh thần. Người dân đều thích trò chuyện hay bộc lộ nỗi niềm bằng thơ ca, hò vè, ca dao tục ngữ...

Ngày 5.9.1962, Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới. 15 năm sau, ngày 18.7.1977, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đã giúp cho mối quan hệ giữa hai quốc gia được nâng tầm trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa.

Đoàn làm phim Lào đang quay phim Xin chào Luang Prabang
Đoàn làm phim Lào đang quay phim Xin chào Luang Prabang

Hàng năm có không biết bao nhiêu sự kiện văn hóa, các buổi giao lưu nghệ thuật, triển lãm, hội chợ… giữa nhân dân hai nước cả ở trung ương và địa phương. Các đêm diễn nghệ thuật, dù dưới ánh đèn nhà hát lớn hay chỉ là sân khấu nhỏ ở một miền quê, những bài hát, điệu múa dù của Việt Nam hay Lào như Mối tình Lào - Việt, hòa tấu khèn Qua cầu gió bay, vũ điệu Chămpa hay điệu nhảy Lămvông… đều được các nghệ sĩ hai nước thể hiện tình cảm không khác gì đang hát, đang múa những ca khúc của quê hương mình.

Không chỉ bằng lời ca, tiếng hát, hai nước còn tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm văn hóa đặc sắc giúp nhân dân hiểu nhau hơn. Chẳng hạn, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, qua triển lãm “Mối tình Lào - Việt” (2007), người Việt cũng có thể tiếp xúc với không gian văn hóa Lào qua những bộ trang sức chạm bạc tinh xảo, nhiều họa tiết độc đáo mang đặc trưng văn hóa các bộ tộc Lào hay xem các cô gái Lào xinh đẹp trình diễn nghề dệt của người Lào Lùm (người miền xuôi ở ven sông Mekong) mà trên môi không ngớt nụ cười duyên cùng cái chắp tay và nói: “Sabai dee” (cảm ơn). Chỉ riêng chuyện dệt vải Lào đã như cổ tích. Những năm tháng ít mưa, người ta dệt hình con cóc để tượng trưng cho lời cầu nguyện mong trời đổ mưa; bướm, chim tượng trưng cho tự do; ngựa thể hiện sự chịu đựng, kiên nhẫn; rồng là biểu tượng cho sức mạnh, may mắn... Tất cả các hình ảnh đều có trong vải Lào và người ta tin chúng sẽ mang lại may mắn cho người mặc.

Trong khi đó, tại thủ đô Viêng Chăn, người Lào cũng có thể thưởng ngoạn “không gian văn hóa Việt” với mô hình cổng làng Việt truyền thống, Khuê Văn Các, khu phố cổ Hà Nội… cùng với những bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc Việt trong Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào…

Hai dân tộc láng giềng vốn đã có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lại tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nên tạo sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa. Thật vậy, ở buôn Đôn, ngôi làng nhỏ bên sông Serepoc do chính người Lào góp công khai phá và khởi phát nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, người ta có thể thấy những công trình kiến trúc theo phong cách Lào như ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi của vua voi Khunjunop và ngôi mộ của ông nằm giữa rừng tượng nhà mồ của người M’nông. Vào những ngày lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống càng hiện rõ, bên cạnh trang phục thiếu nữ Tây Nguyên, người ta còn thấy các cô gái Lào với bộ trang phục khác biệt. Người Lào cũng là một tộc người chế tác cồng chiêng rất giỏi. Trong quá khứ xa xưa, người M’nông, Êđê, Gia Rai thường mua những bộ cồng chiêng (Ching Lao) của người Lào để sử dụng. Do đó, người Lào cũng góp công cho các dân tộc Tây Nguyên cất cao âm thanh cồng chiêng, để đến một ngày chính không gian văn hóa cồng chiêng này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa truyền khẩu của nhân loại.

Biểu diễn văn nghệ Việt – Lào trong lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế Bờ Y
Biểu diễn văn nghệ Việt – Lào trong lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Sự giao thoa văn hóa này còn được thể hiện rõ nét hơn ở núi rừng Trường Sơn. Ngày xưa, những dân tộc phía Tây các tỉnh miền Trung đã có quan hệ sâu sắc với người Lào. Người Lào cũng vượt núi sang tận Đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán. Họ cũng bán voi và truyền nghề thuần dưỡng voi rừng cho một số dân tộc như Tà Ôi, Bru - Vân Kiều... Người Cơtu sinh sống tỉnh Sekong có mối quan hệ gắn bó thân thiết với người Cơtu ở Quảng Nam và người Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Người Cơtu ở Lào còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà làng, trang phục, trang sức, tập tục, nếp sống...

Thông qua quan hệ qua lại thường xuyên và một số người Cơtu sinh sống bên Lào chuyển sang định cư ở Việt Nam, họ cũng đã mang theo khá nhiều sắc thái văn hóa độc đáo như giống bông vải kpay Lao hay thuốc nhuộm vải đỏ (mực poong). Người Cơtu ở Lào cũng đi trước trong việc chăm chút sắc đẹp theo tập tục cổ truyền. Bộ trang sức đẹp của người Cơtu như những vòng đá ngọc đeo cổ, khuyên bạc đeo tai, vòng đồng đeo tay... đều có nguồn gốc từ Lào.

Không chỉ các dân tộc ở miền Trung - Tây Nguyên, mà theo bước chân của cộng đồng người Việt ở Lào (khoảng 20.000 người), truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt cũng dần dần có mặt trên đất nước Triệu Voi, đó là những món ăn truyền thống, những tà áo dài duyên dáng, những phong tục tập quán truyền thống… Ngay cả những ngôi chùa của người Việt, tuy vẫn giữ được các nét văn hóa truyền thống qua kiến trúc, song do sống lâu ngày trên đất Lào, tiếp nhận văn hóa của người Lào nên cũng có những sự biến đổi trong bố cục và họa tiết trang trí cho gần gũi hơn với người Lào bởi vì người Lào cũng đến chùa người Việt và ngược lại. Như ở chùa Phật Tích và chùa Bành Long tại Viêng Chăn, tuy diện tích không lớn nhưng đều dành đất để xây hồ sen, ao nuôi cá, rồi tôn tượng Bồ Tát Quan Âm ở giữa hồ giống như nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Nhưng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Lào, hai ngôi chùa đều không có nhà tổ trong cùng gian Phật điện, khác với khuôn mẫu “tiền Phật hậu thánh” hay “tiền Phật hậu Tổ” ở các nhà chùa tại Việt Nam...

Sự giao thoa văn hóa Việt - Lào đang ngày càng góp thêm sắc màu cho vườn hoa đầy hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và các bộ tộc Lào, xứng với câu nói của Chủ tịch CHDCND Lào: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ vững bền mãi mãi hơn núi, hơn sông”.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.