Giao thoa văn hóa - nhìn từ một địa phương

Kon Tum được coi là một vùng đất đậm đặc văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác của Tây Nguyên, trong những năm gần đây, các cuộc di cư của đồng bào dân tộc từ nơi khác đến đã tạo nên sự cộng cư, đa dạng, giao thoa văn hóa. Thực tế đó, cần phải có sự nghiên cứu đầy đủ để có sự nhìn nhận đúng mức, xây dựng các chính sách phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Giao thoa văn hóa - nhìn từ một địa phương ảnh 1
Nguồn: vietbao.vn

Nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, Kon Tum được coi là một vùng đất đậm đặc  văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa (có tới 6 dân tộc thiểu số bản địa quần cư sinh tụ lâu đời). Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, độc đáo vừa đa dạng.

Từ sau năm 1975, cùng với chính sách đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, ngoài người Kinh, đã có khá nhiều các dân tộc thiểu số ở các địa phương khác di cư đến sinh sống tại Kon Tum, làm cho thành phần dân tộc của tỉnh ngày càng đa dạng. Đến năm 2009, Kon Tum có 25 dân tộc cùng sinh sống, dân số toàn tỉnh là 432.865 người (Niên giám Thống kê 2009) trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%. Ngoài các dân tộc thiểu số bản địa như: Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, Rơ Măm và Brâu, trên địa bàn Kon Tum có các dân tộc ít người khác như: Hrê, Mường, Nùng, Tày, Thái, Sán Dìu, Sán Chay, Kor, K’ho, Khmer, Chăm, Ê Đê, Cà Tu, Dao… cư trú rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Cũng như các tỉnh khác của Tây Nguyên, sự sáng tạo nên các giá trị truyền thống và đặc thù văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa ở Kon Tum cũng đều bắt nguồn bởi văn hóa rừng. Đối với đồng bào, rừng là toàn bộ cuộc sống, là không gian và thời gian sinh tồn của họ. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo mang bản sắc đặc thù: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông - nhà dài, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, diễn xướng dân gian, nghệ thuật truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết, chạm khắc - hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát... được trao truyền từ đời này sang đời khác.

Tuy nhiên, nằm trong bối cảnh chung của khu vực Tây Nguyên, Kon Tum cũng đang hứng chịu nhiều nguy cơ đáng lo ngại về sự mai một các di sản văn hóa. Bên cạnh những nguyên nhân về khách quan và chủ quan đã và đang được các nhà nghiên cứu đề cập, có lẽ còn một nguyên nhân khách quan nữa ít được chú ý đến, đó là sự pha tạp văn hóa vùng miền xuất phát từ việc di cư đến cùng sinh sống của nhiều thành phần dân tộc.

Trong quá trình tiếp biến và giao thoa văn hóa giữa các tộc người trong một cộng đồng dân cư có từ hai đến ba thành phần dân tộc thiểu số sinh sống trên cùng một địa bàn đã tạo nên sự biến đổi dần về văn hóa phi vật thể của từng tộc người. Điều kiện và môi trường khách quan tác động từ sự giao lưu về phương thức sản xuất, văn hóa cư trú đến các sinh hoạt văn hóa cổ truyền, tín ngưỡng dân gian… giữa các dân tộc thiểu số bản địa với những dân tộc thiểu số di cư đến có sự ảnh hưởng qua lại cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần.

Điều dễ nhận thấy là những nét bản sắc độc đáo và đặc trưng nhất theo tự nhiên vốn có đã dần dần thay đổi theo chiều hướng ít được chú ý hơn và từ đó dẫn đến phai nhạt hơn. Có lẽ, do ý thức cộng đồng, cộng cảm nên ngại thể hiện những nét riêng có của dân tộc mình để hòa vào sinh hoạt chung của cả cộng đồng nên từ đó sự mai một đã và đang xảy ra?! Theo dõi qua nhiều năm ở những vùng như xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô có đồng bào dân tộc Nùng ở Lạng Sơn vào từ năm 1980 cùng sinh sống với dân tộc Xơ Đăng; xã Ia Xier huyện Sa Thầy có dân tộc Thái ở Thanh Hóa cùng sinh sống với dân tộc Gia Rai; huyện Ngọc Hồi có  dân tộc Tày, Thái, Sán Dìu, Sán Chay… cùng sinh sống với dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng… cho thấy rất rõ vấn đề đã nói ở trên.

Thực tế hiện nay ở các cộng đồng dân cư nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, rất khó để nhận biết về những nét đặc trưng của từng tộc người trong đời sống và sinh hoạt. Bởi vậy, hệ thống các hoạt động văn hóa cổ truyền của từng tộc người không còn được nguyên thủy như vốn nó sinh ra, kể cả của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa lẫn đồng bào dân tộc thiểu số đến xen cư.

Từ thực tế đó, thiết nghĩ, cần phải có sự nghiên cứu đầy đủ và kịp thời từ phía các cơ quan chức năng, các nhà quản lý để có sự nhìn nhận đúng mức, xây dựng các chính sách phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.