Nỗi lo vào đại học của cô học trò nghèo mồ côi cha được tuyển thẳng Đại học Luật Hà Nội

Mất cha, một mình mẹ đau yếu nuôi ba người con đang bước vào ngưỡng cửa học đường quan trọng, cô học sinh nghèo trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp vì vậy không khỏi lo lắng với những áp lực và gánh nặng trong tương lai.

Gượng dậy từ những biến cố

Nguyễn Phạm Quỳnh Nguyên (SN 2006) là học sinh trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, TP. Đồng Hới (Quảng Bình), với niềm yêu thích dành cho môn Lịch sử, đã xuất sắc đạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT Quốc gia năm học 2023 - 2024, được trường đại học Luật Hà Nội tuyển thẳng. Đây là bước đệm cho những dự định nghề nghiệp trong tương lai của Quỳnh Nguyên. Ai biết đến Nguyên cũng đều cảm phục rằng những cột mốc đáng tự hào của cô học trò với dáng dấp nhỏ bé, lại là nỗ lực từ sau nhiều biến cố, khó khăn của gia đình là hộ nghèo ở địa phương. 

Nhớ lại về một trưa hè năm 2019, Quỳnh Nguyên vẫn nhớ như in từng chi tiết ngày cha mất. “Buổi trưa đó, bọn em đang chờ ba về ăn cơm trưa thì bà hớt hải chạy đến bảo ba bị tai nạn, đang nằm trong bệnh viện. Đứa nào cũng lo sợ đòi vào viện cùng ba nhưng bà bắt ở nhà. Sau đó chỉ 1-2 ngày thì ba em mất. Đột ngột lắm ạ”, Quỳnh Nguyên kể lại rành mạch, chưa từng quên một giây phút nào trong những ngày hè định mệnh ấy.

Nỗi lo của cô học trò nghèo đạt giải nhì Quốc gia môn Sử, được tuyển thẳng Đại học Luật Hà Nội -0
Chị Hiếu cùng 3 cô con gái đang cắt chuối, nuôi gà vịt

Cha em là thợ cơ khí, cũng là trụ cột cho gia đình. Cha mất, tất cả gánh nặng nuôi 3 người con nhỏ dại dồn lên vai người mẹ Nguyễn Thị Hiếu, lúc ấy đang bán trái cây ở chợ quê. Lúc bấy giờ, chị vừa hụt hẫng vì mất đi chỗ dựa, vừa chơi vơi khi nghĩ đến tiền nuôi con, nhưng cơm phải ăn, học phí phải đóng, chị sớm nén đi nỗi lòng yếu đuối của một người vợ để thay bằng dũng khí người mẹ tìm phương cách chăm lo cho con.

Chị kể: “Người thân cũng khuyên nhủ tôi đi xuất khẩu lao động, còn con cái gửi cho nội ngoại chăm sóc. Như rứa mới có tiền mà cho chúng ăn học. Nhưng nghĩ 3 đứa nhỏ cùng đẻ ra giờ lại phải xa nhau mỗi đứa một nơi, tôi cũng không đành lòng nên ở lại xin việc ở khu công nghiệp. Giờ thì đổ bệnh, làm việc bình thường còn khó, nói gì đến xuất khẩu lao động chỉ dành cho người trẻ, khoẻ”.

Sau biến cố, chị xin làm công nhân một xí nghiệp may trong nhiều năm. Nhưng sức khoẻ dần không cho phép với khối lượng công việc đi sớm về khuya, chị lại xin công việc phục vụ quán ăn gần nhà hơn, cho đến khi chân trụ không vững, với căn bệnh suy vỏ thượng thận được chẩn đoán sẽ phải sống chung cả đời, chị về nhà loanh quanh nuôi gà, vịt,… kiếm chút chi phí trang trải qua ngày.

Nỗi lo của cô học trò nghèo đạt giải nhì Quốc gia môn Sử, được tuyển thẳng Đại học Luật Hà Nội -0
Bàn học là nơi được quý giá nhất trong gian nhà đơn sơ

Về phía Quỳnh Nguyên, sau biến cố mất đi người cha vào năm em học lớp 8, có chút sao nhãng trong học tập, nhưng đã sớm lấy lại niềm đam mê và nhịp học khi được thầy giáo dạy Sử ở trường cấp 2 động viên, hỗ trợ. “Chính thầy là người đã truyền cho em động lực học Sử, và cũng động viên em thi vào Trường Chuyên Võ Nguyên Giáp, vì em còn ngần ngại sợ tốn thêm chi phí”. Với sự đồng hành của các thầy cô, Quỳnh Nguyên đỗ vào trường cấp 3 top đầu của tỉnh.

Giờ nhìn lại chặng đường ấy, Nguyên muốn gặp lại thầy giáo dạy Sử ngày cấp 2 và nói lời cảm ơn một lần nữa với thầy. Nhưng thầy cũng mất cách đây ít năm do tai nạn, khiến em không giấu được nhiều tiếc nuối trong ánh mắt.

“Gắng được đến đâu, hay đến đó”

Nay, việc Quỳnh Nguyên được tuyển thẳng đại học là một điều tự hào, vinh dự và rất đỗi vui mừng của người mẹ, nhưng chị Hiếu cũng không tránh khỏi lo lắng, mất ngủ nhiều đêm.

“Mấy đêm này tôi thao thức không ngủ được, vì học phí, sinh hoạt ở thành phố lớn rất cao. Bé nó cũng muốn ở trọ ngoài cùng các bạn để đi làm thêm đỡ đần cho mẹ. Nhưng thân con gái vừa chân ướt chân ráo ra thành phố, tôi vẫn bảo ở ký túc xá để mẹ an tâm hơn trước đã. Còn tiền ăn học thì chừ, được đến mô, hay đến đó, cố gắng vay mượn thêm trước đã chứ không biết răng”, chị Phạm Thị Hiếu tần ngần tính toán. Thu nhập của gia đình hiện tại chỉ dựa vào ít con gà, con vịt chị Hiếu tranh thủ nuôi trong góc nhà, rồi bán được bao nhiêu tích cóp bấy nhiêu cho các con ăn học. Thời gian còn lại, ai thuê chị đi làm gì thì chị đều đi khi sức khoẻ cho phép, ngoài ra, bệnh suy vỏ thượng thận cùng những bệnh vặt ốm đau trong người khiến người phụ nữ mới gần 40 già hơn nhiều so với tuổi.

Nỗi lo của cô học trò nghèo đạt giải nhì Quốc gia môn Sử, được tuyển thẳng Đại học Luật Hà Nội -0
Quỳnh Nguyên nhận món quà chiếc laptop cũ thông qua kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương

Theo chị, tiền ăn của cả nhà cũng không bao nhiêu, chủ yếu rau cá qua ngày, nhưng cái quan trọng là tiền học đều đặn. Các con muốn học thêm hay học lớp chuyên, đội tuyển, chị cũng dặn “nhắm coi thật sự cần không, thì mẹ cố gắng đưa đón, nộp tiền” để con quyết tâm bền chí hơn. Còn về bản thân người mẹ, căn bệnh suy vỏ thượng thận phải đi khám ở bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội mới có thuốc điều trị. Mỗi lần mua thuốc cũng hết 6 - 7 triệu đồng nhưng chị chỉ dám mua nửa tháng để cầm cự. Không kiệt quệ lắm chị cũng không dám đi vì cứ chuyến nào là tốn tiền triệu chuyến đó.

Cũng nhân kể thêm về lý do chọn học ở Hà Nội, mẹ Quỳnh Nguyên cho hay, ban đầu cô con gái kỳ vọng được đến TP. Hồ Chí Minh học tập. Nhưng bẵng đi một thời gian dài thấy mẹ không đi khám ở Hà Nội nữa, cô bé lại chuyển hướng, rồi thủ thỉ với mẹ: “Con học Hà Nội, để thỉnh thoảng mẹ ra khám thì con đưa mẹ đi, mẹ ở với con”, chị Hiếu kể.

Vì tự nhận thấy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, Quỳnh Nguyên cũng luôn ý thức được giấc mơ tương lai của em sẽ có nhiều thách thức. Do vậy, cô gái nhỏ cũng vạch một số kế hoạch để trở thành gia sư dạy Sử, để kể câu chuyện đất nước cho các bạn học sinh ở thành phố mà đỡ đần thêm cho mẹ.

Cô Nguyễn Thị Sáu, cô giáo chủ nhiệm của Quỳnh Nguyên tại trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết thêm, dù hoàn cảnh khó khăn, em không hề than vãn gì mà luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Tuy nhiên, trước cánh cửa đại học đang rộng mở, bài toán về việc sinh hoạt và học tập của em thực sự quá khó khăn.

"Mỗi lần nhìn nụ cười và ánh mắt trong sáng của em, cô chỉ mong mình có thể giúp đỡ em thật nhiều cả trong học tập và cuộc sống. Mong rằng ở chặng đường tiếp theo, em tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có thể viết tiếp ước mơ của mình", cô giáo Nguyễn Thị Sáu tâm sự. 

Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép
Giáo dục

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai xác định, Trường THPT Văn Lang chưa chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục, thiếu nhiều phòng chuyên môn, tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép, trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 nhưng vẫn thu nhận hồ sơ là sai quy định.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Giáo dục

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quan điểm quy hoạch, sắp xếp, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".