Ngày 15.6, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.12.2023.
Theo Thông tư mới, các chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” sẽ không còn tồn tại trong đề án tuyển sinh của các trường đại học kể từ năm sau. Những khóa đã tuyển sinh trước ngày 1.12.2023 được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.
Trên các diễn đàn, một số ý kiến cho rằng việc ban hành Thông tư 11, bãi bỏ Thông tư 23 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo và tuyển sinh của các trường đại học trong những năm tới.
Ban hành Thông tư 11 là cần thiết và phù hợp
Theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tuyển sinh đại học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kể từ khi thực hiện Thông tư 23 đến nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như các trường đại học khác đã đào tạo thành công và cung cấp hàng nghìn sinh viên chương trình chất lượng cao.
Những lứa sinh viên sau tốt nghiệp đã đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho xã hội, mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế.
PGS Nhượng cho rằng, việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 11, bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển các chương trình đào tạo khác nhau.
“Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ủng hộ và hoan nghênh việc ban hành Thông tư này, cũng như việc Bộ GD-ĐT đã bãi bỏ một số văn bản khác đã không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay”, PGS Nhượng nói.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.
Ngược lại, Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích các trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo theo đúng tinh thần của Quyết định 69/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.
Cụ thể: “Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đầu tư phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở các lĩnh vực ưu tiên (như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp xanh...) tạo nguồn nhân lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Đồng thời, tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: “Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa và tự chủ đại học; tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới, chú trọng các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến và các chương trình đào tạo quốc tế”.
PGS Nhượng nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo. Nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Ông cũng khẳng định, Thông tư 11 đã ghi rõ có hiệu lực từ ngày 1.12.2023 nên không ảnh hưởng đến Đề án tuyển sinh đại học năm 2023 mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố công khai.
“Nói cách khác, nhà trường vẫn tiếp tục tuyển sinh các chương trình chất lượng cao theo đúng Đề án tuyển sinh đại học năm 2023 đã công bố”, PGS Nhượng nói.
Quy định mới không ảnh hưởng đến đào tạo và tuyển sinh
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cũng cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018 và thực tế triển khai các chương trình chất lượng cao tại các trường đại học.
PGS Hiền phân tích, trước đây, Thông tư 23 được ban hành căn cứ trên Luật giáo dục đại học năm 2012. Luật này có quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng tiêu chí của chương trình, quản lý, giám sát mức thu học phí của chương trình.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm “chương trình đào tạo chất lượng cao” đã không được đề cập đến nữa. Với sự ra đời của Luật giáo dục đại học 2018, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo.
Trong đó, có thể có cả các chương trình có tên gọi là “chất lượng cao”, miễn đáp ứng các quy định chung về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định. “Do vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới”, PGS Hiền nhấn mạnh.
Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao hiện tại, cũng như tuyển sinh, đào tạo trong năm 2023 và những năm tới của các chương trình chất lượng cao tại Trường Đại học Ngoại thương.
Với sự ra đời của Luật giáo dục đại học 2018, việc xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao và các loại chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Từ nay, các trường đại học có thể dùng khái niệm “chất lượng cao” để đặt tên cho chương trình của mình, mà không còn bị ràng buộc bởi các điều kiện quy định trong Thông tư 23.
“Điều quan trọng là trường đại học phải khẳng định được chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng để tương xứng với cái tên đó”, PGS Hiền nói.
Theo PGS Hiền, tại Trường Đại học Ngoại thương, chương trình chất lượng cao được xây dựng với chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn so với chương trình tiêu chuẩn và đáp ứng ở mức độ cao hơn hẳn so với các chuẩn quy định tại Thông tư 23.
Vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.
Trước đó, ngày 17.6, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra thông tin khẳng định việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Về học phí, các cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021.