Khai báo y tế thiếu trung thực:

Phát huy vai trò giám sát cộng đồng

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:19 - Bản đầy đủ
Để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nhiều địa phương đã yêu cầu những công dân trở về địa phương từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế để kịp thời truy vết, sàng lọc, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bất chấp quy định, nhiều trường hợp đã cố tình khai báo qua loa, thậm chí khai báo không trung thực, điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Nhiều người khai gian dối

Sau Tết Nguyên đán, hàng triệu người dân trở lại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng... làm việc. Theo đó, thay vì lập chốt kiểm dịch như đợt dịch đầu năm 2020, nhiều địa phương đã yêu cầu người dân khai báo y tế trung thực và thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Đơn cử tại Hà Nội, từ bài học nhãn tiền về ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân số 17 do không khai báo y tế khiến cả Thủ đô phải căng mình chiến đấu với Covid-19. Và trong đợt dịch lần thứ 3 này, bệnh nhân 1.883 là công chứng viên ở quận Cầu Giấy cũng loanh quanh khai báo, cố tình che giấu những người tiếp xúc, khiến ảnh hưởng đến cộng đồng và công tác phòng, chống dịch của cả thành phố... Chính vì thế, ngay sau Tết Nguyên đán, TP Hà Nội mệnh lệnh: Tất cả người dân trở về Hà Nội đều phải khai báo y tế để có thể nắm chắc lịch trình cũng như tình trạng sức khỏe, phục vụ công tác sàng lọc, truy vết tốt. Để thực hiện điều này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu 10.000 tổ giám sát cộng đồng phát huy hiệu quả, thực sự là "tai mắt" trong công tác phòng chống dịch, quản lý tốt từng nhân khẩu, hộ khẩu, từ các tổ dân phố.

Để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, mỗi người dân cần tự giác, trách nhiệm trong việc khai báo y tế

Tương tự tại Đà Nẵng, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố và các quận, huyện chiều ngày 19.2, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cũng đã yêu cầu triển khai việc khai báo y tế toàn dân. Đây là một biện pháp quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch, đồng thời cũng là công cụ kiểm soát quản lý đối với những người ngoại tỉnh đến Đà Nẵng trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán vừa qua. Đối với hầu hết các tỉnh, thành phố khác, việc yêu cầu người dân đi từ vùng dịch Hải Dương trở về địa phương khai báo y tế là mệnh lệnh bắt buộc.

Dẫu vậy, tình trạng người dân khai báo qua loa, gian dối vẫn xảy ra. Cụ thể, báo cáo của đại diện UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 mới đây cho thấy, trên địa bàn quận có hiện tượng một số người không di chuyển từ tỉnh Hải Dương về Hà Nội, nhưng lại khai báo sai để được xét nghiệm Covid-19. Hay 1 trường hợp ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình, sau khi tiếp xúc trực tiếp với F0 (ca bệnh 1730, 1733 tại Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương) đã trở về địa phương thuộc xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, nhưng khi về nơi cư trú đã khai báo y tế thiếu trung thực dẫn đến toàn huyện phải kích hoạt biện pháp phòng dịch cao nhất để ứng phó. Mới đây nhất, vụ việc khai báo y tế gian dối mới đây nhất là trường hợp cô giáo H.T.T trú tại phường An Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng, mặc dù trong dịp Tết vừa qua, cô giáo này về quê Hải Dương ăn Tết nhưng lại khai báo với địa phương là có đến Khu đô thị Đặng Xá (xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) và về trong ngày...

Bình luận về nguyên nhân của tình trạng trên, chị Nguyễn Minh Châu, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Mặc dù không phải là người trở về từ vùng tâm dịch Hải Dương, nhưng gia đình tôi là đối tượng F3 sau khi về quê Nghệ An ăn Tết. Qua thực tế đi khai báo y tế cho thấy, nếu cơ chế kiểm soát, giám sát thông tin khai báo y tế không sớm thay đổi thì việc khai báo sẽ rất hình thức và không thu được kết quả như mong đợi là kịp thời sàng lọc và truy vết đối tượng. Bởi việc hướng dẫn chưa được y tế cơ sở thực hiện cụ thể; chỉ chú trọng các thông tin như số điện thoại, địa chỉ nơi ở, hoặc chỉ chú trọng người về từ vùng dịch mà chưa có sự hướng dẫn cụ thể lịch trình di chuyển, xác định phân loại F1, F2, F3, F4... - không phải người nào cũng hiểu được sự phân loại. Cụ thể như gia đình tôi, là đối tượng F3, nếu tôi không ý thức, không trách nhiệm vì cộng đồng thì rất có thể sẽ điền chung chung, chẳng ai biết đấy là đâu...

Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng. Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1 - 5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.

Tăng giám sát cộng đồng        

Chỉ cần có điện thoại thông minh là mọi người dân có thể thực hiện khai báo y tế; hoặc nếu không có thì việc khai báo y tế cũng diễn ra rất dễ dàng, thuận tiện. Thực tế, hầu hết cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đều đã yêu cầu nhân viên khai báo y tế, nên đôi khi khai báo y tế giống như “giấy thông hành” giúp công việc nhanh hơn, nhất là khi vào bệnh viện khám chữa bệnh chỉ cần đưa mã QR Code thay vì xếp hàng khai báo tại chỗ... Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, chính quyền không chỉ yêu cầu khai báo cho có mà trong các cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo thành phố đều nhấn mạnh rằng “phải khai báo trung thực”, để khi chẳng may có ổ dịch trong cộng đồng thì ngành y tế còn có căn cứ truy vết kịp thời, khoanh vùng dập dịch.

Xuất phát này có lẽ là do thực tế đã có không ít trường hợp vì lý do sợ bị đi cách ly, sợ bị dư luận kỳ thị mà khai báo qua loa cho có, khai không hết lịch trình, thậm chí có trường hợp vì quá sợ nên cố tình khai báo thiếu trung thực để được xét nghiệm, vô hình trung gây tốn kém ngân sách của địa phương...

Do vậy, khi mà làn sóng thứ 3 của dịch bệnh Covid-19 được dự báo vẫn phức tạp, diễn biến khó lường và ngành y tế vẫn đang hàng ngày dồn sức dập dịch, các địa phương đưa ra nhiều giải pháp như việc khai báo y tế để có thể sàng lọc, truy vết nhanh thì cũng không tránh khỏi những thiếu sót... đòi hỏi cần sự đồng hành của người dân bằng những hành động đơn giản, thiết thực - đó là khai báo chính xác, trung thực.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả, thiết nghĩ cùng với việc kêu gọi từng cá nhân, tổ chức hãy ý thức, trách nhiệm cộng đồng... thì các ngành chức năng cũng cần có các giải pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát của các tổ chức hội, nhóm, mỗi cá nhân trong cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Bởi từ thực tế hiệu quả qua giám sát cộng đồng, nhiều người như trường hợp cô giáo ở Hải Phòng khai gian dối, hay nhiều trường hợp ở Hà Nội khai man để được xét nghiệm Covid-19 đã bị phát giác.

Bài và ảnh: Bảo Hân

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP