Tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thấp
Tại Tọa đàm đối thoại chính sách “30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 22.2, nhiều chuyên gia cho rằng, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành "Quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại" vào năm 2030 và "Quốc gia phát triển có thu nhập cao" vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong 22 năm tới.
Để hướng tới tăng trưởng bền vững và trở thành nước có thu nhập cao, vai trò của giáo dục, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá rất quan trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề buổi toạ đàm, Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự, Đại học Waseda, Nhật Bản cho biết, theo các số liệu khảo sát, hiện nay trong lực lượng lao động của Việt Nam, tỷ lệ lao động có tay nghề cao - nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thấp. Muốn nền kinh tế phát triển, chúng ta phải đẩy mạnh lực lượng này, hay phải chú trọng vấn đề đào tạo.
“Muốn đào tạo thì phải có nguồn lực và phải có ngân sách, có cơ chế của Nhà nước. Nếu Nhà nước làm không hết, cần khuyến khích những cơ cơ sở đầu tư nước ngoài hay đầu tư tư nhân”, Giáo sư Trần Văn Thọ nhìn nhận.
Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, thế giới, trong đó có các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản đang kỳ vọng Việt Nam trở thành nơi sản xuất, một vị trí trong chuỗi cung ứng lớn toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.
“Kỳ vọng ở nước ngoài lớn như vậy, nhưng chúng ta có đáp ứng được kỳ vọng đó hay không thì phải chuẩn bị tiền đề. Trong đó, tiền đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và làm sao cơ chế của chúng ta phải chuyển động nhanh mới đáp ứng được”, Giáo sư Trần Văn Thọ nói.
Thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam mới có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn, với chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, trong khi mỗi loại chip được sản xuất đều có yêu cầu kỹ thuật rất cao. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành lập đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030.
Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu này cần chương trình hành động rất cụ thể và cần bắt tay thực hiện ngay. Nếu để chậm trễ, vài năm nữa mới khởi động sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu về nguồn nhân lực.
Theo đó, khi đã tính toán được các số liệu về nguồn nhân lực cần đáp ứng, phải nhanh chóng có cơ chế bổ sung nguồn lực, bổ sung ngân sách, bổ sung chuyên gia, bao gồm cả việc mời chuyên gia nước ngoài hay những Việt kiều giỏi trong các ngành đó cùng hợp tác.
“Nếu đưa ra mục tiêu lớn nhưng không có chương trình hành động đi theo thì rất khó. Tôi nghĩ Chính phủ phải có chương trình hành động rất cụ thể. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhiều người giỏi. Hay kể cả là thu hút những người có quốc tịch nước ngoài tới Việt Nam làm việc như Trung Quốc hiện nay họ cũng thu hút nhân tài từ Nhật Bản, từ Mỹ và các nước khác đến bằng nhiều chính sách”, Giáo sư Trần Văn Thọ cho hay.
Các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu
Trước đó, tháng 12.2023, phát biểu tại cuộc gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng, với mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang chú trọng giáo dục đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi nguồn nhân lực phù hợp, đặc biệt là ngành bán dẫn đòi hỏi đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cần đào tạo và đào tạo lại để đội ngũ này trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực bán dẫn.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
“Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm”, Thứ trưởng nói.
Theo đó, trước hết, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.
Trên cơ sở này, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, làm rõ những gì các trường cần chủ động triển khai và phối hợp triển khai, những gì Bộ GD-ĐT cần làm, những gì cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.