Do vậy áp lực tạo việc làm mới là khá cao. Cụ thể, dân số nước ta năm 2012 là gần 88,8 triệu người, tăng hơn 9,1 triệu người so với năm 2002. Trong khi đó, lực lượng lao động năm 2012 là 52,3 triệu người, tăng khoảng 11,6 triệu người. Nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ ở mức cao hơn so với phần lớn các nước trên thế giới. Tỷ lệ này đang trong xu hướng tăng kể từ năm 2006 và trái ngược với xu hướng của nam, Ts Nguyễn Văn Thuật, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm.
Xét theo khu vực thành thị/nông thôn cho thấy, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn đang trong xu hướng giảm dần, trong khi ở khu vực thành thị lại trong xu hướng tăng. Theo Ts Nguyễn Văn Thuật, đây là hai xu hướng tích cực phản ánh thành quả trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm hạn chế là chất lượng còn thấp, ngành nghề được đào tạo đáp ứng kém so với yêu cầu của thực tiễn công việc, cũng như đòi hỏi của thị trường lao động. Trên 83% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hơn nữa, công tác đào tạo nghề còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động…
Phát triển thị trường lao động một cách hiệu quả, bền vững và đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập là điều không dễ dàng. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không thận trọng, Việt Nam có thể bỏ lỡ giai đoạn dân số vàng hiện nay. Theo Phó trưởng ban tổng hợp của NCSEIF Phạm Thu Phương, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7% trong những năm 2002 - 2010 có thể là một bối cảnh tốt cho sự gia tăng lợi tức giáo dục và cầu về lao động có kỹ năng. Đặc biệt, do tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp, nền kinh tế thiếu những lao động có trình độ tốt nên mức lương cho những người có trình độ cao có thể vẫn sẽ tăng, thể hiện mức cầu cao. Kết quả từ nghiên cứu hỗn hợp giữa nhóm chuyên gia NCSEIF và chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Ailen (ESRI) về lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam giai đoạn 2002 - 2010 cho thấy, nam giới nên đầu tư cho các cấp học càng cao càng tốt bởi họ sẽ nhận được mức thù lao tăng dần theo trình độ học vấn. Nữ giới cũng nên đầu tư cho các cấp học cao hơn trung học phổ thông nhưng cũng chỉ nên dừng lại ở tốt nghiệp đại học do mức lương ở các cấp học sau đại học có xu hướng giảm. Việt Nam cần các giải pháp cụ thể trong cải cách giáo dục và đào tạo cũng như trong phổ biến thông tin về lợi tức của giáo dục để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư cho giáo dục và đào tạo của các cá nhân, Nhóm nghiên cứu đề xuất.
Đưa ra so sánh với thị trường lao động Trung Quốc, Ts Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cho biết, sự tăng trưởng của Trung Quốc trong 30 năm qua dựa trên lao động giá rẻ và chi phí vốn thấp. Điều này có cơ sở, dù chưa phải là toàn bộ. Tuy nhiên, thị trường lao động Trung Quốc đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi. Chi phí lao động đã tăng mạnh tại Trung Quốc từ năm 2010 nên có thể kỷ nguyên tăng trưởng dựa vào lượng lao động chi phí thấp sẽ chấm dứt. Thị trường lao động Trung Quốc đang chuyển đổi hướng đến các phân khúc lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao hơn.