Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt kết quả ấn tượng
Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai Khóa XVI đầu tháng 12 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhận định, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên được sự quan tâm của Trung ương và các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của địa phương, Gia Lai đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu năm 2023 đạt và vượt so với năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu ngành nông lâm nghiệp vượt kế hoạch ấn tượng, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 587.199ha, tăng 2,98% so với năm trước; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 34.360 tỷ đồng, tăng 7,18% so với năm 2022.
Có được kết quả tích cực như trên là nhờ chính quyền và các cấp cơ sở tại địa phương rất chú trọng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Chẳng hạn, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030 theo Quyết định số 721/QĐ-UBND đã xác định:các khu vực, diện tích đất phù hợp canh tác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; các đối tượng sản xuất phù hợp với từng địa bàn, khu vực cụ thể; xây dựng được quy trình chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tương ứng với các loại sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đồng thời, chuẩn bi ̣các điều kiện cần thiết để duy trì và mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Đề án đã định hướng các cây trồng chủ lực, thế mạnh như: Cà phê, tiêu, điều, cây ăn quả… được tập trung phát triển, nên giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Để đạt được mục tiêu đã đề ra dến năm 2025, Gia Lai triển khai các nhóm giải pháp chủ yếu về: chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, vận động; các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và ứng dụng công nghệ; phương pháp, hình thức tổ chức sản xuất, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; tổ chức chứng nhận và thừa nhận; đào tạo, tâp huấn, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực; phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Xây dựng chuỗi giá trị từ nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có gần 250.000ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, có 94 mã số vùng trồng với tổng diện tích 6.346ha; 22 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất 665 - 795 tấn quả tươi/ngày… Mặt khác, tỉnh đã có 10 nhãn hiệu, thương hiệu nông nghiệp của địa phương được chứng nhận gồm: rau An Khê, gạo Phú Thiện, Rau Đak Pơ, gạo Ia Lâu-Chư Prông, bò Krông Pa-Gia Lai, chôm chôm Ia Grai-Gia Lai, chanh dây Gia Lai; chỉ dẫn địa lý Gạo Ba Chăm-Mang Yang, hồ tiêu Chư Sê, cà phê Gia Lai. Toàn tỉnh đang phát động và thực hiện tốt phong trào xây dựng chuỗi giá trị từ nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh, ông Lê Hữu Anh (xã Glar, huyện Đăk Đoa) cho biết, đơn vị đã triển khai rộng rãi mô hình canh tác cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ và mô hình sản xuất lúa nước, chanh dây theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, các thành viên HTX và người dân trong vùng giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. “Trước đây, mọi người có thói quen sử dụng nhiều phân hóa học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến đất đai ngày càng thoái hóa, ô nhiễm môi trường. Để thay đổi thói quen đó, HTX liên kết với người dân canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản. Mục tiêu là giúp bà con nông dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp không hóa chất để cây trồng phát triển bền vững”, ông Hữu Anh chia sẻ.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa cho hay, đến nay huyện đã triển khai các dự án liên kết chuỗi giá trị để sản xuất nông nghiệp bền vững, như: liên kết hồ tiêu sạch, bền vững tại xã Nam Yang, Hải Yang; liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ; phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây có múi theo hướng hữu cơ tại xã Kon Gang; phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm rau củ quả an toàn tại xã Tân Bình…
Còn đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Păh cũng cho rằng, người dân, HTX và doanh nghiệp đang thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất khép kín, hữu cơ, an toàn sinh học nhằm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu hướng đến xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.