Việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Trước đó, khi cho ý kiến về dự thảo Luật này, vấn đề ghi âm, ghi hình nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các nhà lập pháp. Một số ý kiến đề nghị quy định: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của họ và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị, phóng viên được ghi âm, ghi hình đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bị can, bị cáo nếu họ và chủ tọa phiên tòa đồng ý. Cũng có ý kiến nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đối với nhóm đối tượng là phóng viên báo chí, truyền hình.
Do có nhiều quan điểm khác nhau nên trong quá trình thảo luận cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã lắng nghe một cách thấu đáo để lựa chọn phương án mang tính tối ưu nhất, hiệu quả nhất, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch nhưng cũng vừa bảo vệ những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật trong quá trình xét xử.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, phiên họp và hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, nhất là thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,… Do đó, các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể về trường hợp ghi âm, ghi hình.
Theo đó, điểm a, Khoản 3, Điều 141 Luật quy định, “việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp”. Quy định này rất cần thiết, bởi đây là cơ sở để bảo vệ cho các bên khi tham gia tố tụng, tiến hành tố tụng khi cần thiết. Bên cạnh đó, quy định này cũng được đánh giá là “cởi mở” hơn, tạo thuận lợi đối với các phóng viên, nhà báo giúp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời hơn về quá trình xét xử vụ án. Qua đó, góp phần bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động xét xử.
Nếu như “ghi âm” được thực hiện trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp thì việc ghi hình ảnh, điểm b, Khoản 3, Điều 141 Luật quy định rõ: “việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định”. Đồng tình với quy định này của Luật, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, do đó, việc hạn chế đưa hình ảnh cá nhân là cần thiết để bảo vệ đời tư, bí mật cá nhân của họ.
Quy định cụ thể để tránh lạm dụng
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải được sự đồng ý của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.
Thực tế cho thấy, trong quá trình xét xử, có những vụ án có tình tiết phức tạp, đơn cử như trong vụ án ly hôn có sự tranh chấp tài sản, tình trạng “người này nói người kia” hoặc cung cấp những thông tin với mục đích gây bất lợi cho người khác... Những thông tin nếu không được kiểm soát kỹ có thể ảnh bị ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín thậm chí đến đến quyền con người, có thể dẫn đến tình trạng lộ lọt thông tin bí mật kinh doanh, tài sản của cá nhân khi tham gia phiên tòa. Trong tình huống này rất cần sự “đồng ý” của người trong cuộc, và thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Ngoài ra, Luật cũng quy định: “Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản này”.
Đồng tình với quy định này của luật, đại biểu Dương Văn Thăng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm hoạt động kiểm sát. Như vậy, sau này viện kiểm sát hay cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền có yêu cầu thì hoàn toàn có thể kiểm tra trên quá trình ghi âm, ghi hình của tòa án, đại biểu Dương Văn Thăng nói.
Thực tế cho thấy, việc ghi âm, ghi hình góp phần bảo đảm tính chính xác diễn biến, nội dung của phiên tòa. Cùng với đó, việc ghi âm cũng là để bảo vệ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, khi có ý kiến cho rằng, việc xét xử của tòa chưa bảo đảm tính khách quan, bình đẳng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp” cần sớm có quy định cụ thể, trường hợp nào thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp đồng ý. Bởi nếu không quy định cụ thể, chặt chẽ trường hợp này có thể sẽ dẫn đến sự tùy nghi, chủ tọa phiên tòa có thể sẽ gây khó dễ, hạn chế hoạt động tác nghiệp của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động của phóng viên báo chí.
Thông qua hoạt động xét xử nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật, góp phần giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Việc bảo đảm khách quan, công bằng trong suốt quá trình xét xử có vai trò không nhỏ của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và sự thông tin chính xác, kịp thời diễn biến phiên tòa, trong đó việc ghi âm, ghi hình đóng vai trò không nhỏ.
Ngày 1.1.2025, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành. Thời gian không còn nhiều, do đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có quy định hướng dẫn đối với hoạt động ghi âm, ghi hình để Luật sớm đi vào cuộc sống.