Các diễn giả đã phổ biến những kiến thức y khoa về ghép thận, các phương pháp điều trị thay thế thận và chạy thận nhân tạo hỗ trợ trong ghép thận, hướng tới việc tìm ra các giải pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo và những người có nguy cơ mắc bệnh về thận, giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống. Phó Giáo sư, bác sĩ Thái Minh Sâm (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, hiện có rất nhiều nhận định sai lầm về hiến thận, dẫn đến giảm cơ hội được ghép thận ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Theo đó, người khỏe mạnh khi hiến một thận hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe, sinh lý, vận động bình thường. Những trường hợp cần thận trọng hoặc chống chỉ định hiến thận là do người hiến không đảm bảo sức khỏe.
![]() Quang cảnh hội thảo.(Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN) |
Suy thận là một căn bệnh có xu hướng ngày càng tăng cao, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của bệnh nhân. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân được chỉ định điều trị thay thế thận bằng một trong các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận. Trong đó, ghép thận là giải pháp tối ưu.
Cụ thể, ở phương pháp chạy thận nhân tạo, các bác sĩ sử dụng máy lọc thận để làm việc thay thế thận. Máu được bơm từ cơ thể, qua màng lọc của máy lọc máu và quay trở về cơ thể. Bệnh nhân thận mạn tính sẽ phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần và cuộc sống của bệnh nhân thận mạn tính gắn liền với bệnh viện. Phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy có ưu điểm là bệnh nhân có thể tự thay dịch lọc tại nhà, tuy nhiên việc này mất khá nhiều thời gian do phải 4 lần thay dịch/ngày. Hai phương pháp này được chỉ định ở bệnh nhân trẻ, có kèm bệnh lý tim mạch.
Ở phương pháp ghép thận, người bệnh sẽ được giải phóng khỏi trung tâm lọc thận, cải thiện khả năng sinh sản, duy trì kết quả lâu dài sau ghép. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định ghép thận. Những trường hợp bị ung thư, nhiễm khuẩn/virus chưa điều trị ổn định, nhiễm những bệnh lý ngoài thận nghiêm trọng, nghiện thuốc phiện, rối loạn tâm thần… thì sẽ được các bác sĩ cho vào diện chống chỉ định ghép thận. Ngoài ra, những bệnh nhân có thêm bệnh lý đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá nhiều, tim mạch, tuổi quá cao… sẽ nằm trong diện được cân nhắc khi ghép thận.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy) đưa ra các lưu ý đối với các ca ghép thận, trong đó chú trọng việc đánh giá, phân loại các ca cần hoặc không cần lọc máu hỗ trợ trước ghép thận. Theo đó, chỉ những trường hợp có hội chứng ure huyết cao trên 100 mg/dl, tăng kali máu không đáp ứng điều trị nội khoa, toan chuyển hóa nặng, viêm màng ngoài tim… cần được thực hiện lọc máu trước ca ghép thận. Nguyên nhân được chỉ ra là tỷ lệ tử vong cao gấp đôi ở nhóm bệnh nhân lọc máu chờ ghép so với nhóm bệnh nhân được ghép thận trước khi lọc máu điều trị. Lọc máu từ 0 đến 6 tháng trước khi ghép thận làm tăng 17% nguy cơ thải ghép so với ghép thận trước khi lọc máu.
Tại hội thảo, các bác sĩ cũng đưa ra các cảnh báo về các đối tượng có nguy cơ cao bệnh thận mạn tính. Đó là những bệnh nhân mà bản thân và thành viên trong gia đình mắc bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, tiểu đạm, tiểu máu, tim mạch, sỏi thận/nang thận, sử dụng thuốc độc thận… Bệnh thường diễn tiến âm thầm với những triệu chứng mơ hồ, khiến nhiều trường hợp khi phát bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn khá trễ (giai đoạn 4, 5). Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm lịch khám tầm soát 6 tháng/lần, đồng thời có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh.