GEFE 2024 diễn ra trong ba ngày (từ 21 - 23.10) tại TP. Hồ Chí Minh, với nhiều triển lãm, hội thảo và các phiên đối thoại cao cấp giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với Chính phủ (B2G), quy tụ các chuyên gia, các đối tác đến từ những doanh nghiệp phát triển bền vững châu Âu và bộ, ngành Việt Nam.
Sự kiện quan trọng này hướng tới thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam thông qua việc chia sẻ các sáng kiến chuyên môn và chuyển giao công nghệ.
Gian hàng quốc gia Thụy Sĩ trưng bày và giới thiệu về các dự án, trong đó nêu bật chuyên môn và giải pháp sáng tạo của Thụy Sĩ, và những tác động tích cực mà các dự án mang lại.
Trong ba ngày diễn ra GEFE, 4 dự án nhận tài trợ của Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức một loạt sự kiện nhằm tìm kiếm giải pháp cho những thách thức quan trọng ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác và đẩy mạnh phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Chương trình có sự tham gia của Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass, Phó Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ Andri Meier, các chuyên gia trong ngành và đại diện doanh nghiệp.
Cụ thể, chương trình bao gồm Đối thoại cấp cao, với các nội dung về chiến lược cân bằng tăng trưởng với các mục tiêu phát thải ròng bằng không trong ngành du lịch và đổi mới trong xây dựng bền vững sử dụng vật liệu gỗ và tre.
Đối thoại chuyên đề nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để tạo ra tác động toàn diện trong ngành, đối thoại đúc kết kinh nghiệm thực tiễn từ việc triển khai dự án Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong ba năm qua.
Đồng thời, đối thoại cũng chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong việc tối ưu hóa việc sử dụng vật liệu gỗ trong xây dựng xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Cách tiếp cận này được thiết kế để thu hút sự tham gia của các đối tác trong ngành, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và các mục tiêu bền vững khác.
Bên cạnh đó là hội thảo về các chứng nhận bền vững cho ngành du lịch, các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và xây dựng cho ngành nhà hàng - khách sạn, và các sáng kiến đổi mới sáng tạo về du lịch nông nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống với sự chia sẻ của các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Thụy Sĩ, Colombia.
Thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng bền vững và phát triển theo định hướng thị trường. Nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác của SECO, các dự án được thiết kế để củng cố dịch vụ hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong ngành du lịch, tăng năng suất và tạo ra việc làm ổn định, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học thông qua thương mại bền vững.
Tận dụng chuyên môn và đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ, những nỗ lực chung này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và một nền kinh tế không phát thải vào năm 2050.
Phát biểu tại GEFE, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass chia sẻ: “Chúng tôi tự hào sát cánh cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo tính bao trùm và bảo vệ môi trường. Thông qua các đối tác triển khai dự án nhiều kinh nghiệm như Tổ chức Helvetas và ILO, cam kết lâu dài của Thụy Sĩ với Việt Nam phản ánh tầm nhìn chung về một tương lai xanh hơn, tự cường và bền vững hơn. Các dự án giới thiệu những giải pháp toàn diện và tác động tích cực với sự hợp tác phát triển của hai đất nước”.