
Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật gồm 3 nội dung chính. Phần 1: Từ Hội nghị Geneva đến Hội nghị Paris, trưng bày khái quát quá trình ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cho tới Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27.1.1973, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Phần 2: Đại thắng mùa Xuân 1975, giới thiệu những chiến dịch tiêu biểu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh; góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần 3: Âm vang mùa Xuân đại thắng, trưng bày những thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; tiếp tục phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu khai mạc triển lãm, đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định, triển lãm góp phần giáo dục, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân và Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975. Đồng thời nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Tại Triển lãm giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật, tài liệu quý như: bảo vật quốc gia Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh; la bàn của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng chỉ đạo trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh; cờ giải phóng do Trung đoàn 98 cắm trên nóc Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy; ống nhòm của đồng chí Nguyễn Chơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 sử dụng chỉ huy chiến đấu giải phóng Đà Nẵng…
Các hình ảnh, hiện vật, tài liệu giới thiệu tại triển lãm là những tư liệu quý, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Thư viện Quân đội.

Một số tài liệu, hiện vật lần đầu được trưng bày giới thiệu, tiêu biểu như: máy chữ - Trung tướng Trần Văn Trà, Trưởng đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sử dụng tại Ban Liên hiệp đình chiến bốn bên ở Sài Gòn, năm 1973; sổ ghi chép - Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên ghi diễn tiến Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3.1975; la bàn - Đại tướng Văn Tiến Dũng sử dụng xác định vị trí trên bản đồ chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; xắc cốt - Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đựng tài liệu, bản đồ tác chiến chỉ huy đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4.1975; dép cao su - Trung tướng Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4.1975; súng tiểu liên - đồng chí Ngô Huy Phát thu được của địch tại Đồng Dù trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4.1975; sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” - trực ban tác chiến Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương) ghi diễn biến tình hình chiến sự chiến dịch, từ ngày 25.4 – 1.5.1975…

Bên cạnh đó, triển lãm giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ quân sự, quốc phòng thế hệ mới do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nghiên cứu, sản xuất, như: Ra-đa cảnh giới biển tầm trung, Ra-đa 3D phòng không cấp chiến thuật, đài quang điện tử cảnh giới tầm xa đa kênh… Một số sản phẩm đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ 24 (năm 2024).
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15.4 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Km6+500 Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.