Hồi ức người lính
Trong cuộc đời quân ngũ, ông là một vị tướng khá đặc biệt, được xem như số phận đặt vào tay những trận chiến khốc liệt. Năm 18 tuổi, ông trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, đến 26 tuổi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Sinh năm 1949 tại xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, Quảng Ninh, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, ông đã mang trong mình khát vọng được khoác lên bộ đồ của người lính. 17 tuổi, mặc dù không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, ông vẫn quyết tâm xung phong nhập ngũ.
"Kiểu gì cũng phải đi bộ đội!" - đó là tinh thần mà chàng trai chỉ nặng 41kg, mang theo trong ngày rời xa mảnh đất mến yêu để vào chiến trường.
“Hôm đó, toàn xã có 29 người được gọi nhập ngũ nhưng theo danh sách bị khuyết một người do không đủ điều kiện sức khỏe. Thấy vậy, tôi liền xin thế chân. Ngày 28.9.1966, tôi tạm biệt gia đình, quê hương, gửi lại một thời ấu thơ đầy ắp kỷ niệm háo hức vào chiến trường”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại.


Gia nhập Sư đoàn 308 - Sư đoàn Tiên phong, trận đánh Đường 9 - Khe Sanh là trận chiến lần đầu tiên ông ra trận, trận chiến vẫn được mệnh danh là “Điện Biên Phủ thứ hai”, ác liệt và đau thương. Khe Sanh với ông là “khe tử” nhưng cũng là một niềm vinh dự.
“Đây là lần đầu Sư đoàn 308 trực tiếp đánh Mỹ, thắng Mỹ, cũng là lần đầu tiên tôi ra trận cùng đồng đội được trực tiếp chiến đấu đánh quân chủ lực tinh nhuệ Mỹ, đội quân có trang bị vũ khí hiện đại nhất. Và chúng tôi đã thắng”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại.
Trong vai trò Tiểu đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly, ông trực tiếp chỉ huy 14 trận đánh, phá hủy nhiều lô cốt, diệt 15 lính Mỹ. Cống hiến đó giúp ông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt xe cơ giới", và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa khi mới 19 tuổi.
Sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và nhiều chiến dịch lớn khác. Tuy nhiên, với ông trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, trận then chốt trong Chiến dịch Tây Nguyên mang mật danh “Chiến dịch 275” sẽ là những tháng ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Buôn Ma Thuột - Điểm son binh nghiệp
Ngày 17.1.1975, Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273 nhận lệnh hành quân vào Tây Nguyên. Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy Đại đội 9 - đơn vị tiên phòng gồm 10 xe tăng T-54B, 10 xe K-63. Đặc biệt, ông là người đề xuất sửa đổi kỹ thuật, gia cố thêm đạn pháo và lựu đạn cho xe tăng nhằm tăng khả năng tác chiến, đồng thời đề nghị xuất phát sớm hơn lệnh chính thức 15 phút.
“Lúc ấy, mọi công tác chuẩn bị hết sức công phu, cả về kỹ thuật và chiến thuật. Đại đội 9 được trang bị toàn bộ xe tăng T-54B thế hệ mới, chúng tôi tổ chức cho từng kíp xe tăng luyện tập kỹ và quyết tâm bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác. Lực lượng kỹ thuật tổ chức sấy máy bằng than củi, sấy máy bằng thủ công bảo đảm thông tin được thông suốt”, Trung tướng Hưởng nhớ lại
“Khoảng 5h30 sáng ngày 10.3.1975, khi pháo binh chuyển làn bắn, xe tăng và cơ giới ta mở tốc lực, húc đổ cây tiến thẳng vào thị xã. Nhận thấy địch hoang mang cực độ, tôi lệnh bật đèn xe. Đại đội 9 làm theo, các đơn vị khác cũng bật đèn, biến núi rừng Tây Nguyên thành biển lửa, khích lệ quân ta, khiến địch khiếp đảm. Theo kế hoạch chiến đấu, thê đội 1 dẫn đầu đột phá vào cửa mở, để thê đội 2 do tôi chỉ huy thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Bị dồn vào chân tường, địch chống cự quyết liệt...”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể.

Cũng theo lời Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, thời khắc đó hầu hết xe tăng của chúng ta đều có người bị thương, xe tăng 980 do đích thân Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy bị trúng đạn. Trong giây phút đó, người lái xe bị gãy tay, ông liền cho xe lùi lại, đưa đồng chí lái xe ra tuyến sau cấp cứu và điều người khác từ xe 703 lên thay. Từ 5h30 đến 10h30 ngày 10.3, quân ta liên tiếp quần nhau với địch. Pháo phòng không 232 và 234 bảo vệ chặt đội hình tiến công. Tối 10.3, Đại đội 9 và bộ binh áp sát Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy. Theo lệnh, đơn vị dừng lại để củng cố, bổ sung đạn. Ông Hưởng cùng đồng đội trinh sát, chuẩn bị đánh sớm hôm sau.
“6h sáng 11.3, khi đơn vị sẵn sàng xuất kích, phát hiện xe địch, tôi lệnh nổ súng, bắn cháy 2 xe M-113 và M-41. Lợi dụng địch hoảng loạn, tôi chỉ huy truy đuổi, bắt Tỉnh phó Đắk Lắk. Xe tăng ta tiếp tục đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, sào huyệt cuối cùng ở Buôn Ma Thuột. Đến 10h, các hướng đồng loạt tấn công. 10h30, xe tăng, bộ binh áp sát cột cờ, Đại đội 9 chốt giữ trận địa, hỗ trợ Tiểu đoàn 4 hạ cờ Ngụy quyền Sài Gòn, kéo cờ Giải phóng trong niềm vui chiến thắng”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hào hứng kể lại.

Nói đến đây, ông Hưởng nghẹn ngào: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã trải qua nhiều trận đánh, tham gia nhiều chiến dịch. Mỗi trận đánh là một thử thách về lòng dũng cảm, sự ác liệt, hy sinh. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đồng đội thế hệ tôi người còn, người mất. Trên chính mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này, biết bao đồng đội tôi đã không may nằm lại, linh hồn và thân thể các anh đã hòa vào đất đỏ Tây Nguyên để cây trái đơm hoa, xóm làng trù phú. Họ đã ngã xuống để đất nước ta ngày càng tươi đẹp, trường sinh”.