![]() Nguồn: langduytinh |
Duy Tinh giáp bộ, giáp phường
Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường giao thông
Vui thay trên bến dưới sông
Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây.
Duy Tinh không chỉ có chợ, cầu, giao thông thuận lợi mà còn có chùa Sùng Nghiêm, nơi chứa đựng chiều sâu văn hóa sử bậc nhất phủ Hà Trung xưa. Cổ tự này được xây dựng thời Lý với quy mô khá lớn trên cơ sở một ngôi chùa cổ có trước đó. Văn bia còn lưu tại chùa Sùng Nghiêm do Chu Nguyên Hạo viết, dựng ngày 19 tháng Mười năm Hội Tường Đại Khánh thứ chín (1118) ghi lại nhiều nét về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng… đương thời ở vùng quê này. Theo văn bia, người hưng công dựng chùa là Thông phán Chu Công, quyền trông coi quận Cửu Chân xứ Thanh Hoa (tên cũ của Thanh Hóa). Chu Công tính ôn hòa, cẩn trọng, khí khái, thanh liêm, tinh thông kinh sử, lấy trung kính thờ kẻ trên, lấy khoan nhân tiếp kẻ dưới. Nhận thấy phía nam phủ thành có ngôi chùa cổ, nền cũ và gạch ngói vẫn còn, cỏ gai đã mọc lút, không còn đèn hương, nhưng phong cảnh vẫn thiêng, hai cửa khống chế phía bắc, ba dòng sông ôm ấp phía nam; vậy nên, nhân lúc nông nhàn, Chu Công “bèn sai huyện lệnh Lê Chiến trông coi việc dựng lại chùa… Chọn ngày đổ nền, thợ mộc thợ nề gắng sức, già trẻ gái trai góp duyên, góp lương như kiến, vung rìu như mây… Ngắm xem: ngói uyên ương phơi dưới gió như xập xòe múa lượn, nóc nhà cuốn như trĩ bay xòe cánh, dấu chạm trổ như phượng múa hạc chầu, mái cong lấp lánh dưới mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió…”.
Theo nội dung văn bia thì từ thời Lý, Duy Tinh đã là một trung tâm chính trị, Phật giáo của quận Cửu Chân trấn Thanh Hoa, gồm “năm huyện ba nguồn (ba dòng sông)”, do Thông phán Chu Công coi giữ. Vậy có thể nói, trước khi là lỵ sở của phủ Hà Trung và là lỵ sở huyện Hậu Lộc (từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX), vùng Duy Tinh - chợ Phủ từng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của một đơn vị hành chính khá lớn thời Lý - Trần. Sự kiện vua Lý đến thăm “thuyền rồng đỗ lại, xe loan tạm dừng”, cho thấy đường giao thông thủy bộ dẫn đến Duy Tinh - chợ Phủ thời dó đã khá phát triển.
Từ biết bao đời nay, chợ Phủ họp một tháng 6 phiên, vào buổi sáng các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30; và chợ chiều thì ngày nào cũng họp. Ngay cả sau năm Minh Mạng thứ 19 (1838) đã cho dời phủ lỵ Hà Trung về làng Bình Lâm, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, Duy Tinh - chợ Phủ vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn bậc nhất vùng bắc Thanh Hóa. Thời thơ ấu, tôi từng được theo mẹ và có khi theo ông ngoại đi chợ Phủ, cho đến nay vẫn nhớ ngôi chợ đông vui náo nức ấy. Nhớ những dãy hàng bán giò chả, bánh dày. Nhớ những gánh khoai bông người Đa Lộc đưa đến, củ ngắn, vỏ trắng mịn, đầy bột mà thơm ngon như bột đậu xanh, người ta gọi đặc sản này là khoai búp sợi… Nhớ hơn cả là khu vực bán tôm, cua, ngao, sò huyết, ốc hương, và cả phi cầu Sài. Đó là giống phi mà cả huyện, cả phủ chỉ có ở khúc sông âËu từ cầu Đại An (Hoàng Sơn) qua cầu Sài (Thuần Lộc), ăn ngon, ngọt và thơm mát lạ thường. Sau này, tôi đã được ăn nhiều phi nước lợ ở bao làng biển khác, được ăn cả hàu, ngao, sò… nhưng thấy chúng không thể sánh nổi vị thơm mát và ngọt ngon của phi cầu Sài. Trong bụng phi cầu Sài thường có một con cua nhỏ trắng mỡ, ấy là do cua mẹ nào đó khi sinh đẻ, ấu trùng cua vô tình theo phù du mà bị phi hút tọt vào trong bụng, rồi cua sống suốt đời trong cái khoang chật hẹp ấy nên không sao to lên được. Bù lại, cua bé nhỏ luôn được ăn chất nước trong bụng phi như được uống một thứ sữa ngon lành. Khi ăn con phi có cua trong bụng, người sành ăn bao giờ cũng dành con cua nhỏ trắng mỡ cho miếng cuối cùng, và đó chính là miếng ngon nhất, miếng để đời…
Đã hơn nửa thế kỷ không có dịp trở lại chợ Phủ, cũng đã trải góc biển chân trời, tôi vẫn thường nhớ về vùng quê Duy Tinh - chợ Phủ; có lẽ bởi nhiều điều, nhưng chắc chắn trong đó có món phi cầu Sài mà tôi được thưởng thức thuở ấu thơ.