Tín hiệu tích cực
6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của cả nước đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Một nửa số đó (50,6%) xuất sang thị trường Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng rất lớn của thị trường này.
Mới đây có thêm chanh leo và sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo thông tin của Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ tháng 7.2022 qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam "mở cửa" cho sầu riêng "đàng hoàng" bước vào thị trường này.
Tính cả sầu riêng và chanh leo, Việt Nam hiện có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (9 loại còn lại là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt).
Theo GS.TS. Đỗ Kim Chung, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày càng nhiều trái cây được xuất khẩu chính ngạch là tín hiệu rất tích cực, "Tuy nhiên, đây chỉ mới là khởi đầu, thời gian tới Việt Nam cần phải tiếp tục phấn đấu xuất khẩu càng nhiều sản phẩm bằng đường chính ngạch càng tốt".
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam. Muốn kim ngạch xuất khẩu rau quả vào thị trường này đạt 1 - 2 tỷ USD phải có sách lược xuất chính ngạch, làm tiểu ngạch sẽ không bao giờ đạt được.
Làm tốt sẽ mở rộng thị trường
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng chỉ ra nhiều khó khăn. Xuất chính ngạch số lượng sản phẩm sẽ lớn nên sẽ có tiêu chuẩn đàng hoàng như mẫu mã, chất lượng, hàng hóa không có dư lượng hóa chất, bảo đảm thương hiệu Việt. Hiện chúng ta cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xung quanh. "Họ có quy chuẩn của họ, muốn hơn người ta thì quy chuẩn của mình phải tốt hơn, đó là cạnh tranh sòng phẳng".
Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Theo ông Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần hướng dẫn các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp những tiêu chuẩn tối thiểu mà nước nhập khẩu yêu cầu. Ngoài ra, phải khuyến cáo, đốc thúc người dân đạt được tiêu chuẩn đó, thậm chí cao hơn càng tốt. Cùng với đó, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường và Trung Quốc đang theo đuổi "Zero Covid", vì vậy doanh nghiệp phải bảo đảm hàng hóa không nhiễm Covid để tránh ảnh hưởng đến quá trình xuất hàng.
Đồng tình với quan điểm trên, GS. Đỗ Kim Chung cho rằng, phải kết nối được cái Trung Quốc cần với cái Việt Nam có và hiểu rõ yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Các doanh nghiệp cần thay đổi tổ chức sản xuất, thích ứng được với thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất chính ngạch. Ngoài ra, cần đàm phán để có những hợp đồng ổn định, lâu dài. "Quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy. Phải bỏ tư duy làm nhỏ để hướng đến cái lớn, từ đó sẽ đem lại giá trị cao hơn. Nếu làm được, không chỉ thị trường Trung Quốc mà nông sản Việt cũng sẽ xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước khác như Mỹ, Nhật Bản, EU...".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ tích cực phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước để xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm nhằm đa dạng hóa thị trường cho nông sản. Bộ cũng đang chuẩn bị đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; mật ong sang EU. Với Trung Quốc, Bộ cũng phối hợp với Bộ Công thương xây dựng đề án xuất khẩu sang thị trường này.