Đưa người khuyết tật đến gần hơn với công nghệ thông tin

Với phương châm không để người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có thêm các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người khuyết tật được làm quen với công nghệ ở độ tuổi sớm hơn.

Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã được triển khai thường xuyên và linh hoạt.

Cụ thể như xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trợ giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng thông tin điện tử hỗ trợ người khuyết tật; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật...

Trên thực tế, rất nhiều người khuyết tật đã thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ thông tin, thậm chí trong lĩnh vực này họ còn đạt được những thành tựu, thành công mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Công ty CP Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội (Nghị lực sống) do chị Nguyễn Thị Vân, một trong những nhà sáng lập là một điển hình.

Một buổi giới thiệu công nghệ cho học viên khuyết tật tại Công ty Cổ phần Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội (Nghị lực sống)
Một buổi giới thiệu công nghệ cho học viên khuyết tật tại Công ty Cổ phần Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội

Với phương châm "chúng tôi chỉ là những người gieo hạt", từ khi thành lập đến nay, Nghị lực sống đã hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật thông qua việc đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp họ tìm được việc làm phù hợp. Qua đó, giúp người khuyết tật tự tin, dễ dàng hòa nhập hơn với cộng đồng và tự tạo dựng cuộc sống trong tương lai.

Từ năm 2008, Nghị lực sống đã triển khai các lớp đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật về công nghệ thông tin; năm 2018, chuyển đổi số trên các lĩnh vực đã tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ mà người khuyết tật có thể làm được. Nhờ đó, các học viên sau khi học tại đây đa số đã có việc làm ổn định, tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội. Ngoài kiến thức chuyên môn, học viên tại Nghị lực sống được học tiếng Anh giao tiếp, các kỹ năng trả lời phỏng vấn để có thể tự tin khi tham gia vào thị trường lao động.

Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, thời gian qua, Nhà nước đã bố trí ngân sách để dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi, học nghề, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, để trợ giúp người khuyết tật không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà rất cần sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội; ông Đặng Văn Thanh đánh giá rất cao các doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị lực sống đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tự tạo dựng cuộc sống.

Cần chính sách hỗ trợ tiếp cận công nghệ thông tin

Nhờ được hỗ trợ tiếp cận, công nghệ thông tin đã trở thành "tay" của người khuyết tật vận động, "tai" của người khiếm thính, "mắt" của người khiếm thị. Công nghệ số cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và người không khuyết tật. Nhờ có công nghệ, người khuyết tật có thể hòa nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến... Chuyển đổi số tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội nâng cao kiến thức và tiếp cận các thông tin về việc làm dễ dàng hơn.

Để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, làm chủ công nghệ, thời gian qua, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng 50 tổ chức thành viên đã mở các lớp dạy công nghệ thông tin. Liên hiệp hội cũng phối hợp với Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng phần mềm số liệu về người khuyết tật. Qua đó, thống kê được số người khuyết tật, dạng tật, số người khuyết tật có nhu cầu về giáo dục, y tế, việc làm... Trên cơ sở những số liệu này, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam sẽ đề xuất, thúc đẩy sửa đổi các chính sách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế một cách tốt nhất.

Theo các chuyên gia, cần có thêm các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người khuyết tật được làm quen với công nghệ ở độ tuổi sớm hơn. Từ đó, giúp họ sớm tiếp cận, làm chủ công nghệ để có công việc tốt hơn trong tương lai, đóng góp cho xã hội.

Bị khiếm thị từ nhỏ, nhờ tham gia các lớp học công nghệ thông tin do Hội Người mù tổ chức, anh Ma Văn Đại có thể sử dụng máy tính, điện thoại phục vụ trong cuộc sống và công việc. Công nghệ số giúp anh có thể sử dụng các tiện ích như đặt xe, tham gia sàn thương mại điện tử, giao dịch ngân hàng số… Còn trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh hơn so với những người khiếm thị khác nhưng anh Đại cũng gặp không ít trở ngại khi thực hiện các giao dịch số.

"Khi người khiếm thị sử dụng các ứng dụng, họ thường lướt tay trên màn hình rồi tìm đến biểu tượng để chạm vào. Tuy nhiên, có những ứng dụng khi người khiếm thị chạm vào lại không đọc nên gây nhiều khó khăn cho họ khi sử dụng. Đặc biệt, nếu muốn đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, một số trang web yêu cầu nhập mã captcha (thường được sử dụng trong các biểu mẫu đăng ký, đăng nhập, tạo tài khoản, các hoạt động trực tuyến khác trên điện thoại hoặc máy tính bảng, máy tính…), trình đọc màn hình không đọc được, người khiếm thị bắt buộc phải nhờ người khác hỗ trợ" - anh Ma Văn Đại chia sẻ.

Theo bà Ngô Thị Huyền Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nghị lực sống, nhóm người khuyết tật gặp khó khăn hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến do nền tảng ban đầu thấp hơn, vì thế khả năng đọc hiểu các văn bản hoặc hướng dẫn của họ cũng có hạn chế. Vì vậy, cần cải thiện hơn nữa các văn bản hướng dẫn hoặc có thể làm bộ hướng dẫn dễ hiểu hơn cho nhóm người khuyết tật, giúp họ có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ công online.

Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, trong thời đại công nghệ số, người khuyết tật phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như việc tiếp cận, chi phí... đặc biệt là chi phí về công nghệ khá cao nên người khuyết tật rất hạn chế trong việc tiếp cận. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn lực, rào cản nhận thức đối với người khuyết tật và gia đình của họ... Công nghệ số mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng có mặt trái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khuyết tật.

Để giải quyết những thách thức này, cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, Nhà nước và xã hội. Song với việc triển khai công nghệ số, cần rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cũng như bổ sung chính sách giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ số một cách tốt nhất.

Xã hội

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).