Phải dành nguồn lực cho chống dịch
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2022 được dự toán là 1,411 triệu tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1,784 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 347,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 25 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572,6 nghìn tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu; tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng bền vững, chống thất thu thuế, đôn đốc thu hồi nợ thuế…
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách. Điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai. Cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm…
Tuân thủ kỷ luật tài chính
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những mục tiêu Quốc hội đặt ra là hợp lý, tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô; đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và điều hành chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực chống dịch và phục hồi kinh tế như Quốc hội yêu cầu.
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Cùng với đó, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách ở tất cả các cấp. Bởi thời gian qua, dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ ngân sách vẫn luôn có nhiều thách thức nhất là với chi đầu tư. Cụ thể, số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao khiến hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Trong bối cảnh dịch bệnh sẽ gây khó khăn cho thu ngân sách năm 2022, song nhu cầu chi tiêu rất lớn để hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, ông Cường cho rằng Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng). Để huy động nguồn thu, Chính phủ có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có nhiều thuận lợi như giai đoạn vừa qua.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính:
Quốc hội đặt chỉ tiêu phù hợp, khả thi
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 vừa được Quốc hội quyết nghị theo tôi là phù hợp và khả thi. Đặc biệt, ngưỡng bội chi ngân sách 4%, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,7% rất cần thiết. Về nguyên tắc, chúng ta phải giảm dần tỷ lệ bội chi và tiến tới cân bằng thu, chi; kỷ luật tài chính, kỷ cương ngân sách phải đi vào nền nếp.
Để bảo đảm thu ngân sách 1,411 triệu tỷ đồng (dự toán năm 2021 là 1,343 triệu tỷ đồng), trước tiên cần mở rộng nguồn thu và chống thất thu ngân sách. Thời gian qua, Bộ Tài chính, ngành thuế và hải quan đã có nhiều nỗ lực song tới đây cần nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn - hiện vẫn còn quá chậm. Đồng thời, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả chính là cơ sở quan trọng giúp tăng thu ngân sách.
Về chi, như Quốc hội đã yêu cầu, phải tiết kiệm tối đa và coi giảm chi thường xuyên là nhiệm vụ trọng tâm để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc thu, chi trong năm 2022 vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính phủ đưa ra kế hoạch tăng vay nợ nhưng ở mức vừa phải để bảo đảm nợ công trong giới hạn, đặc biệt là khả năng trả nợ cũng phải nằm trong giới hạn an toàn. Thực tế, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp Chính phủ trên nguồn ngân sách là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng và thời gian qua tương đối căng thẳng. Bộ Tài chính hy vọng trong năm 2021 cố gắng kéo tỷ lệ trả nợ trực tiếp Chính phủ trên ngân sách xuống khoảng 24,8%, tiệm cận giới hạn Quốc hội phép. Đây là khó khăn rất lớn. Nếu không quản lý tốt, không sử dụng hiệu quả nợ công thì khả năng trả nợ rất khó khăn. Vì vậy, với mức tăng nợ vay Quốc hội đề ra, đòi hỏi các cơ quan sử dụng ngân sách phải triệt để tiết kiệm, dự toán phù hợp, giảm khoản chi chưa cần thiết...
Chuyên gia kinh tế TS. NGUYỄN MINH PHONG:
Sự nghiêm khắc của Quốc hội rất cần thiết
Năm 2022, ngân sách vừa phải tăng chi để hỗ trợ phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, vừa phải kiểm soát thâm hụt dưới 4% như Quốc hội đặt ra. Đồng thời đạt 2 mục tiêu không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh yêu cầu chi đột xuất rất lớn, thậm chí khó dự báo. Tuy vậy, với tầm nhìn trung và dài hạn trong tâm thế kiểm soát chặt tài chính để bảo đảm ổn định vĩ mô thì chỉ tiêu Quốc hội đặt ra nghiêm khắc nhưng rất cần thiết.
Tôi tin rằng, Quốc hội đã có sự cân nhắc về các mục tiêu này cũng như tính khả thi của nó. Song, để chắc chắn đạt được các chỉ tiêu Quốc hội đề ra thì cần gia tăng các hoạt động đôn đốc thu, tìm kiếm nguồn thu mới để bảo đảm nguồn thu, đồng thời với việc tái cơ cấu các hoạt động chi, nhiệm vụ chi để giảm bớt các nguồn chi không cần thiết. Đồng thời, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt chi tiêu thường xuyên, từ đó giúp nhiệm vụ chi giảm bớt, tiết kiệm để dành cho đầu tư phát triển, tạo thu nhập.
Cuối cùng, phải có chế tài đôn đốc thu, kiểm soát chi, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc chi để tránh thất thoát, tránh lạm dụng; thường xuyên thanh kiểm tra để nhận diện các điểm nghẽn, chống vi phạm.
Đan Thanh