Ngày 4.10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, cử tri vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo bà Mai, các quy định trong Dự Luật đều hướng tới mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô. Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với các vấn đề: Tổ chức chính quyền tại Hà Nội (Điều 8); về cơ cấu tổ chức của HĐND TP Hà Nội (Điều 9); Phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (Điều 9 và Điều 10); mô hình “thành phố trong thành phố”, cơ sở cho việc hình thành Thủ đô Hà Nội là một Metropolis;
Quản trị đô thị ở một số quốc gia và vài gợi mở góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)… về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường (Điều 15); về chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội (Điều 16);vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17); chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18); ý kiến về giáo dục, chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Thủ đô; về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô (Điều 25)…
Đặc biệt, đối với vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài của Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài cho Thủ đô.
Cần làm rõ mục tiêu thu hút nhân tài
Góp ý về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội, PGS.TS. Bùi Tiến Đạt, TS. Nguyễn Anh Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2023).
Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được làm rõ trong Luật Thủ đô. Tuy Dự thảo Luật đã thể hiện được cơ bản tinh thần của các chính sách, định hướng đã đề ra nhưng vẫn mang tính định hướng chính sách mà chưa tạo được cơ sở pháp lí rõ ràng.
Để đạt được tốt vấn đề thu hút nhân tài, PGS.TS. Bùi Tiến Đạt cho rằng: "Cần làm rõ mục tiêu chỉ nhằm thu hút nhân tài cho bộ máy chính quyền tại Thủ đô hay thu hút nhân tài cho sự phát triển chung của Thủ đô ở các ngành, lĩnh vực? Việc xác định đúng mục tiêu sẽ quyết định nội dung chi tiết.
Nếu mục tiêu chỉ nhằm thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chính quyền tại Thủ đô. Như vậy có phần hạn hẹp so với phạm vi điều chỉnh của một Đạo luật về Thủ đô, tạo ra khoảng trống về nhu cầu thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với toàn bộ các hoạt động ở Chương III của Dự thảo (về Xây dựng, Phát triển, Quản lý và Bảo vệ Thủ đô) với sự tham gia của không chỉ Chính quyền mà còn của nhiều cá nhân, tổ chức khác.
Theo PGS.TS. Bùi Tiến Đạt, ở đây, việc xây dựng Luật Thủ đô cần hướng tới xây dựng môi trường sống, không gian và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội - an ninh của Thủ đô chứ không phải chỉ tập trung vào các quy định về cơ cấu, thẩm quyền, vai trò của Chính quyền tại thủ đô.
Bên cạnh đó, dự thảo chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,...) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”,.... Và rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.
Cá nhân xuất sắc rất khó phù hợp với khu vực công
Nhóm nhà khoa học này cho rằng, có những cá nhân rất xuất sắc nhưng không hoặc rất khó phù hợp để làm việc trong khu vực công dù cho nhận được ưu đãi tốt đến mức nào. Chẳng hạn như chính sách thu hút các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, nghệ sĩ đoạt giải cao tại các kì thi khu vực, quốc tế vào làm việc trong khu vực công sẽ có thể không hoàn toàn phù hợp khi họ phải xa rời môi trường tập luyện để có được thành tích cao.
Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Anh Đức- Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đối với thu hút nhân tài cho khu vực công, ngoài các mô tả về năng lực, trình độ, còn cần phải đề cập đến những mô tả về thái độ, tinh thần phụng công, thủ pháp, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm. Tức là cần có những kì sát hạch để kiểm tra khả năng phụng sự cộng đồng, phụng sự quốc gia, tuân thủ pháp luật, cần - kiệm - liêm - chính. Nếu không đạt điểm tối thiểu của những bài sát hạch về thái độ, tinh thần thì dù năng lực cá nhân xuất chúng vẫn cần được “chuyển giao” cho khu vực tư.
Về quy định trường hợp “có tài năng đặc biệt” được kí hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lí, điều hành, TS Nguyễn Anh Đức cho rằng, đây có thể cũng là cách tiếp cận đã tương đối lạc hậu bởi vì những người có tài năng đặc biệt về chuyên môn thì chưa chắc đã có năng lực phù hợp với các vị trí quản lí, điều hành.
“Nếu chỉ nêu ra điều kiện, tiêu chí này và cất nhắc vào các vị trí quản lí thì vừa có thể làm giảm động cơ, thời gian phát triển năng lực đặc biệt của ứng viên mà vừa làm hỏng bộ máy quản lí.
Dĩ nhiên là những người nắm giữ các vị trí quản lí, điều hành cần có năng lực chuyên môn, nhưng có lẽ không cần đến “tài năng đặc biệt” mà không phải là tài năng quản lí, điều hành. Cần tìm vị trí chuyên môn phù hợp cho các ứng viên có tài năng đặc biệt để họ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê và thúc đẩy năng lực bản thân” - TS Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Chính sách thu hút nhân tài chưa “giữ chân” được người tài
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Luật Thủ đô làm rõ cơ chế sử dụng nhân tài vì các nội dung của Dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng.
Theo ý kiến các cử trri, tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực, cơ chế xin - cho, điều kiện thủ tục đề nghị cấp phép các hoạt động/đề án/đề tài rườm rà, thiếu cơ chế tự làm - tự chịu trách nhiệm,... đã dẫn đến tâm lí chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, có khoảng 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công trong chưa đầy 3 năm gần đây. Như vậy cho thấy chính sách thu hút nhân tài chưa có tính bền vững, đến các công chức, viên chức thông thường cũng chưa “giữ chân” được một cách hiệu quả.
PGS.TS. Bùi Tiến Đạt - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Dự thảo có thể cân nhắc bổ sung các tiêu chí được sử dụng để đánh giá Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) trong đó bao gồm bốn tiêu chí quan trọng: Thu hút nhân tài, Phát triển nhân tài, Giữ chân nhân tài, Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài, và hai tiêu chí cân nhắc là: Kĩ năng/kĩ thuật đào tạo nghề, Kĩ năng tri thức toàn cầu.
Đặc biệt, nên có sự tách bạch giữa nhân tài trong khu vực công và nhân tài được thu hút về khu vực tư (vì cùng đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô).
“Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã trao cho Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh được quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Thành phố. Đây là kinh nghiệm để Dự thảo Luật Thủ đô nghiên cứu và bổ sung cho phù hợp” - PGS.TS. Bùi Tiến Đạt nhấn mạnh.
Tại hội nghị, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô và nên giao HĐND TP Hà Nội quyết định về bộ máy, số lượng biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, cử tri đề nghị làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với việc nhân tài về làm việc tại Thủ đô.
Đồng thời xây dựng quy trình tuyển dụng cần có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ trong Hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng.