Trong chương trình Shark Tank Việt Nam phát sóng tối 8.10, dự án MSE của nhóm 5 nữ sinh Trường Quản trị và Kinh doanh nhận được khoản đầu tư 1 tỷ đồng, cho 25% cổ phần từ 2 “shark” Nguyễn Hòa Bình và Lê Mỹ Nga.
Nhóm sinh viên gồm Nguyễn Thảo Ly, Nguyễn Diệu Vy, Chu Thị Mỹ Hảo, Bùi Minh Thanh, Nguyễn Thị Giang - đều là sinh viên năm 3, chuyên ngành Quản trị Nhân lực và Nhân tài.
Ý tưởng bắt đầu từ cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên
Sinh viên Chu Thị Mỹ Hảo, Giám đốc điều hành, nhà sáng lập MSE tâm sự, dự án MSE được bắt nguồn từ cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo HSB - Innovation Ignition 2024” do Trường Quản trị và Kinh doanh tổ chức vào tháng 5.2024, một sân chơi trí tuệ dành cho sinh viên thu hút nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo.
Trong những năm gần đây, ngành nhân sự đang dần chứng minh rõ tầm quan trọng của mình, không chỉ dừng lại ở các công việc truyền thống như hành chính, tuyển dụng,... mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững, đảm bảo doanh thu và mục tiêu của tổ chức. Những nhà lãnh đạo không ngừng tìm kiếm và sử dụng các công cụ để đo lường hiệu quả công việc của nhân sự: quản trị mục tiêu MBO, phương pháp KPI, OKR (phương pháp quản trị theo mục tiêu và kết quả),...
Tuy nhiên, nhóm sinh viên muốn tiếp cận với vấn đề ở khía cạnh khác mới mẻ hơn, chính là sức khỏe tinh thần của nhân sự, thể hiện qua văn hóa doanh nghiệp của tổ chức.
“Chúng em tin rằng sức khỏe tinh thần không chỉ là vấn đề cá nhân, mà là cốt lõi của hiệu suất, hiệu quả làm việc và sự thành công bền vững của doanh nghiệp”, Mỹ Hảo nói.
Từ khi dự án còn là một ý tưởng, Hảo cùng 4 người bạn của mình đã xác định mục tiêu chung: tạo ra một giải pháp chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người lao động. Ban đầu, đó chỉ là những cuộc trò chuyện đầy đam mê giữa những người bạn cùng chí hướng, cùng nhau chia sẻ những ước mơ khởi nghiệp và khát vọng mang lại giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Với động lực ấy, nhóm quyết định biến ý tưởng thành hiện thực và bắt tay vào nghiên cứu, lập kế hoạch cụ thể cho dự án.
Quá trình thực hiện, phát triển dự án không đơn giản, phải trải qua rất nhiều bước, từ nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng mục tiêu, đến việc lên kế hoạch chi tiết và xây dựng sản phẩm mẫu. Mỹ Hảo tâm sự, mỗi giai đoạn đều là một thử thách, nhưng cũng là cơ hội để cả nhóm học hỏi và hoàn thiện từng ngày.
“Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với chúng em là khi một thành viên trong nhóm phải nhập viện do làm việc quá sức ngay trước khi pitching (diễn thuyết, trình bày về dự án) 1 tuần. Mặc dù biết rằng khởi nghiệp là con đường không dễ dàng, nhưng việc này đã khiến chúng em nhận ra rằng cần phải cân bằng giữa nỗ lực và sức khỏe. Cả nhóm vừa lo lắng cho bạn, vừa động viên lẫn nhau cố gắng đảm bảo tiến độ dự án”, Mỹ Hảo kể.
Bên cạnh đó, để có đủ thời gian làm việc, trong nhiều ngày, các thành viên phải có mặt tại trường từ sáng sớm đến chiều tối, vừa học vừa tranh thủ làm việc nhóm. Nhóm đã tận dụng mọi không gian trống để làm việc, từ phòng học, quán cafe... Có những lúc, nhóm tranh thủ họp để bàn bạc công việc chỉ trong thời gian ngắn ngủi giữa những giờ học. Theo Mỹ Hảo, những khó khăn ấy đã giúp em và các bạn thêm gắn bó, rèn luyện tinh thần kiên trì, biết cách làm việc dưới áp lực cao.
Từ nhóm nghiên cứu nhỏ trở thành công ty khởi nghiệp
Sau khi giành giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo HSB - Innovation Ignition 2024”, nhóm sinh viên quyết định hiện thực hóa dự án MSE, chuyển đổi từ một nhóm nghiên cứu nhỏ thành Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ MSE.
“Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn, mang lại cho chúng em nhiều cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm và sự chuyên nghiệp hơn. Hiện tại, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ MSE không chỉ là một ước mơ khởi nghiệp của nhóm, mà còn là niềm tự hào và động lực để chúng em tiếp tục vươn tới những thành tựu lớn hơn”, Nguyễn Diệu Vy, đồng sáng lập MSE tâm sự.
Sau cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo HSB - Innovation Ignition 2024”, dự án MSE cũng nhận được cơ hội tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam. Nhóm sinh viên chỉ còn khoảng 2 tuần để chuẩn bị cho vòng Audition (vòng sơ tuyển) chương trình. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, các em phải nỗ lực gấp bội để hoàn thiện dự án, từ việc xem xét lại các kế hoạch kinh doanh, cải thiện sản phẩm, đến việc tìm hiểu và học hỏi cách thuyết trình.
“Trái ngọt” đã đến khi trong vòng ghi hình cuối cùng, Diệu Vy cùng các bạn đã gọi vốn thành công 1 tỷ đồng cho 25% cổ phần, nhận được sự đồng hành của 2 “shark” Nguyễn Hòa Bình và Lê Mỹ Nga.
Diệu Vy chia sẻ, để chuẩn bị cho phần trình bày và thuyết phục các shark, bắt buộc tất cả thành viên trong nhóm đều phải hiểu rõ và có khả năng trình bày về nội dung sản phẩm, mô hình kinh doanh, mục tiêu, định hướng chung... Bên cạnh đó, nhóm cũng chia ra vai trò cho mỗi thành viên phụ trách một mảng nhất định (vận hành, tài chính, truyền thông,...).
Cả nhóm tập trung nghiên cứu, học tập về kiến thức để ứng dụng thực tiễn vào dự án, sau đó liên tục đặt ra những câu hỏi mà các nhà đầu tư có thể hỏi và tự chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi đó. Với những câu hỏi có phần chưa chắc chắn hoặc chưa thật sự hài lòng khi đưa ra câu trả lời, nhóm sẽ tìm sự cố vấn của các anh chị chuyên gia và thầy cô giáo trên trường - là những người rất chắc về chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Theo Diệu Vy, khi đến với một chương trình lớn như Shark Tank, em và các bạn đều rất căng thẳng. Nhưng việc được đứng bên nhau, sát cánh cùng nhau vượt qua những cột mốc từ nhỏ đến lớn của dự án đã khiến nhóm như được tiếp thêm sức mạnh để tự tin hơn.
“Đặc biệt, chúng em cũng luôn tin rằng, dù có thế nào, ở bên ngoài “đường hầm cá mập” vẫn có thầy cô, nhà trường, các anh chị cố vấn và những người thân yêu vẫn đang cổ vũ, chào đón chúng em trở về”, Vy nói.
Kỳ vọng xây dựng thương hiệu uy tín trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần cho doanh nghiệp
Chia sẻ về định hướng xa hơn của dự án, Nguyễn Thảo Ly, đồng sáng lập MSE cho biết sau khi gọi vốn thành công, MSE sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng của sản phẩm và dịch vụ của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nhóm sẽ triển khai các chiến lược truyền thông sáng tạo để các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong đời sống nói chung và công việc nói riêng, được lan tỏa rộng rãi đến giới trẻ - lực lượng lao động tương lai.
“Một điểm nổi bật trong kế hoạch của chúng em là việc xây dựng một cộng đồng bền vững, nơi các học viên có thể tiếp tục kết nối và hỗ trợ lẫn nhau sau khi hoàn thành khóa SQ coaching. Cộng đồng này sẽ duy trì các hoạt động tương tác, tổ chức các buổi gặp gỡ, sự kiện trực tuyến, tạo điều kiện cho họ chia sẻ vấn đề và cách giải quyết vấn đề mà họ đã trải qua trong công việc và cuộc sống”, Thảo Ly chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong tương lai, MSE sẽ tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình để hoàn thiện một cách tốt nhất, chất lượng nhất đến tay khách hàng.
Nhóm sinh viên kỳ vọng xây dựng một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần dành cho doanh nghiệp và không ngừng tạo ra tác động tích cực đến nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Thảo Ly cho rằng, để sinh viên có thể tự tin khởi nghiệp, điều quan trọng nhất đến từ mỗi cá nhân khi dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, dám thử sức với những điều mới mẻ và không sợ thất bại, không bỏ cuộc. Chính những khó khăn, thách thức sẽ tạo nên kinh nghiệm thực tế.
“Chúng em tin rằng tuổi trẻ chắc chắn sẽ hình thành rất nhiều các ý tưởng, giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội và may mắn được biến ý tưởng đó thành hiện thực. Vậy nên, việc lựa chọn và tìm kiếm cho mình một “sân chơi” phù hợp, chất lượng để biến ý tưởng của mình đến gần hơn với thực tế là một yếu tố khá quan trọng”, Thảo Ly nói.
Bên cạnh đó, theo nữ sinh, việc tìm kiếm những người cố vấn cho ý tưởng khởi nghiệp cũng đóng một vai trò rất cần thiết. Với MSE, ngay từ khi lên ý tưởng đến khi thực hiện dự án, nhóm sinh viên luôn cần có những lời định hướng, nhận xét và góp ý không ngừng từ những người đi trước, vừa vững chuyên môn và vừa có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế.
“Chúng em rất biết ơn các thầy cô, các anh chị mentor luôn sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng, giúp chúng em vượt qua những khó khăn ban đầu. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho chúng em tham gia các buổi hội thảo và tọa đàm với những mentor hay những anh chị có kinh nghiệm trong ngành, từ đó mở rộng mạng lưới quan hệ và học hỏi kinh nghiệm thực tế. Sự hỗ trợ tài chính và các chương trình cố vấn từ các chuyên gia cũng đóng vai trò quan trọng, giúp chúng em tự tin hơn trong hành trình khởi nghiệp của mình”, Thảo Ly chia sẻ.