Ngày 7.3, trong lúc kiểm tra thiết bị chữa cháy, chuẩn bị cho đợt diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng, nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim ghi nhận 4 cá thể Sếu đầu đỏ tại phân khu A5, đây cũng là khu vực Sếu đầu đỏ thường kiếm ăn trước đây.
Hiện, cán bộ chuyên môn của Vườn quốc gia Tràm Chim đang theo dõi 24/24 tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác, vùng lận cận để giám sát và có định hướng quản lý.
Lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim cũng phân công lực lượng bảo vệ, thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt ong, khai thác tài nguyên bên trong, cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ.
Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Theo thống kê của Vườn quốc gia Tràm Chim, năm 2015 số lượng Sếu về chỉ 21 con, 2016: 14 con, 2017: 9 con , 2018: 11 con, 2019: 11 con. Năm 2020, sếu không về; năm 2021 về 3 con rồi vắng bóng đến nay.
Nguyên nhân loài chim quý vắng bóng được cho là môi trường sinh thái ở vườn thay đổi. Nước lũ về ít, không rửa trôi được các bả thực bì, đồng thời giảm lượng thủy sản là thức ăn chính của chim...
Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 2012 được công nhận là khu Ramsar (đất ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và là đầu tiên ở miền Tây, với diện tích hơn 7.300ha. Đây là một trong những nơi cư trú của Sếu đầu đỏ và là yếu tố quan trọng giúp vườn đạt danh hiệu khu Ramsar.
Ngày 3.11.2023, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032.
Mục tiêu chung của đề án nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong 10 năm (giai đoạn 2022-2032), nuôi thả 100 cá thể Sếu, với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn Sếu đầu đỏ thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2028 sẽ tiếp nhận được 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ việc nuôi, thả về thiên nhiên được hoàn chỉnh để phục vụ cho triển khai cả quy trình. Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim được phục hồi thông qua việc điều tiết nước hợp lý và áp dụng các biện pháp nghiên cứu phù hợp, nhằm phục vụ môi trường sinh sống Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia.
Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 185 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm, phân nửa kinh phí từ ngân sách còn lại từ vốn xã hội hóa.