Cùng năm 2022, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gần 23% so với cùng kỳ, khoảng 983.000 người. Phần lớn lao động chọn nhận tiền trợ cấp, trong khi số được hỗ trợ học nghề chỉ khoảng 21.800 người. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Vĩnh Long là địa phương hỗ trợ học nghề đông nhất, đạt từ 1.000 tới 3.000 người.
Tiền lương bình quân đóng BHTN không nhiều biến động, đạt khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, tăng gần 30.000 đồng so với năm 2021.
Tại Diễn đàn người lao động cuối tháng 7, công nhân kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng nâng tiền trợ cấp, giảm mức đóng dưới 1% cho người lao động, bởi nguồn quỹ kết dư lớn trong khi mức trợ cấp còn hạn chế. Lao động cho rằng tiền trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc là mức thấp.
Sáu tháng đầu năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ghi nhận khoảng 562.000 lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lao động đông nhất thuộc năm lĩnh vực thợ may thêu, lắp ráp, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử và kế toán. Người nhận trợ cấp chủ yếu ở các thành phố lớn, đông khu công nghiệp.
Cơ quan quản lý dự báo tình trạng này còn gia tăng trong bối cảnh cắt giảm việc làm kéo dài tới đầu năm 2024. Một số ngành tiếp tục biến động nhân lực, như dệt may có thể cắt giảm 123.000 người; nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.
Mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.