Giúp đoàn viên, người lao động có việc làm bền vững, thu nhập cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: việc làm là nhu cầu của hầu hết mọi người; là điều kiện quyết định để mưu cầu hạnh phúc. Luật Việc làm là hành lang pháp lý được thiết kế, điều chỉnh để mọi người có việc làm tốt, ổn định như mong muốn của mình, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.
Luật Việc làm hiện hành đã đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội việc làm cho mọi người lao động. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, Luật Việc làm đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó, có những hạn chế nếu không kịp thời khắc phục thì sẽ cản trở sự phát triển, hạn chế cơ hội có việc làm tốt hơn của người lao động.
Để hội nghị thu được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn các đại biểu có nhiều ý kiến sát thực tiễn đóng góp vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để giúp đoàn viên, người lao động có việc làm bền vững, ngày càng tốt hơn, thu nhập cao, đảm bảo điều kiện về an sinh xã hội.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn cho rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là về chuyển đổi việc làm. Vì, hiện nhiều đoàn viên, người lao động đang làm ở doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu cần học tập nâng cao trình độ; khi người lao động bị thất nghiệp thì quyền lợi của họ như thế nào để duy trì cuộc sống.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới các công việc liên quan đến các ngành như: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số… thì vấn đề việc làm phải được chuyển đổi như thế nào để lực lượng lao động, chủ yếu trong lĩnh vực thâm dụng lao động có được cơ hội, điều kiện việc làm tốt hơn.
Đóng góp nhiều ý kiến thiết thực
Tại hội nghị, sau khi nghe Báo cáo một số nội dung của Luật Việc làm (sửa đổi) do Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Quyên trình bày, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến góp ý thiết thực vào Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Theo đó, Phó Giám đốc Bộ phận Đối ngoại và Trách nhiệm xã hội Công ty TNHH Canon Việt Nam Đào Thị Thu Huyền nêu thực trạng người lao động trong thời gian nghỉ sinh được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được hưởng các chế độ của 2 loại bảo hiểm này nhưng không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Điều này không bảo đảm sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp). Đồng thời, doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí để trả trợ cấp thôi việc cho thời gian nghỉ thai sản của người lao động là không thống nhất với chế độ của bảo hiểm xã hội. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng nhất giữa các luật, đề xuất đưa thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Thái Dương cho biết: Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp thấp so với các nước đang phát triển, nhưng chất lượng việc làm, thu nhập không cao. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn dư khá lớn, điều này thể hiện có thể việc tiếp cận được hưởng còn khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, mức chi trả thấp, chưa tập trung nhiều vào người tham gia đóng góp vào quỹ. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu.
Cùng với đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nhiều nội dung khác như: hỗ trợ việc làm cho người thất nghiệp cần quy định để người lao động dễ tiếp cận; nên đưa vào luật về đăng ký lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động; tại Điều 9 quy định về sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật nhưng chưa có hướng dẫn như nào là nhiều…