Ngày 19.9, Đoàn công tác của Bộ NN và PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hà Giang về việc khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng bị thiên tai sau bão số 3.
Đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các hộ gia đình tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Bão số 3 khiến thôn Đồng Tâm có 17 hộ gia đình bị sạt lở, ảnh hưởng, trong đó có 5 nhà sập đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, do dự báo trước được tình hình nguy hiểm, chính quyền địa phương đã chủ động di dời các hộ dân đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là địa phương quanh năm xảy ra thiên tai. Đặc biệt trong bão số 3, địa phương bị thiệt hại nặng nề. Có 1.407 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 184 nhà phải di dời khẩn cấp. Tổng diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại là 2.131ha, gồm hơn 1.189ha lúa, 448ha ngô, rau màu…
Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang cũng mong muốn, Bộ NN và PTNT quan tâm, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, tiếp đến là vấn đề đầu tư bảo đảm sinh kế. Bởi có hạ tầng phát triển ổn định, bà con mới an cư, việc lưu thông, thông thương hàng hóa mới hiệu quả và hình thành nên các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ đầu năm 2024 đến nay là rất lớn. Dự phòng ngân sách địa phương còn 104,3 tỷ đồng cần sử dụng để phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách phát sinh trong những tháng cuối năm và bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương, không đủ để khắc phục các thiệt hại rất lớn do thiên tai đã gây ra.
Do đó tỉnh mong muốn Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn từ đầu năm 2024 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sau bão lũ, chính quyền tỉnh Hà Giang và các huyện, thành phố cần chủ động hỗ trợ người dân đến nơi ở mới an toàn, tái thiết lại sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Với những hộ không còn nhà ở phải bố trí xen ghép ổn định sớm cuộc sống cho bà con. Địa phương cần rà soát số liệu cụ thể thiệt hại về nhà ở, tài sản, hoa màu và định hướng xây dựng khu dân cư tái định cư để báo cáo, kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Khi triển khai xây dựng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ngoài tập trung về vấn đề hạ tầng thiết yếu, xây dựng nhà ở, địa phương cần trao đổi với các nhà khoa học để có định hướng đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài, phát triển bền vững. Các khu dân cư nên xây dựng hệ thống quan trắc để cảnh báo thiên tai.
Liên quan đến việc phục hồi sản xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, về giống, Bộ NN và PTNT sẽ cân đối và hỗ trợ cho các địa phương của tỉnh Hà Giang bị thiệt hại. Bộ sẽ bố trí hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu tương để khôi phục sản xuất.
Thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho người nông dân… Tỉnh Hà Giang cũng cần chú trọng việc chuyển đổi phương thức sản xuất, lựa chọn nuôi, trồng những cây, con có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trao tặng 200 triệu đồng tiền của Bộ NN và PTNT cho xã Yên Thành, huyện Quang Bình để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ hóa chất và các loại thuốc tiêu độc khử trùng giúp người dân cải tạo đất, khôi phục sản xuất do thiên tai, bão lũ gây ra.
+ Trước đó, ngày 18.9, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã tới thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà người dân bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Hoàng Văn Đoan - Chủ tịch UBND xã Tri Phú cho biết, là địa phương bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ngập lụ và lũ quét khiến nhiều hộ dân tại các thôn, xóm tại Tri Phú bị thiệt hại nặng nề.
"Tính đến nay, chúng tôi ước tính có 8/14 thôn bị thiệt hại sau bão lũ. Trong đó, có 26 hộ dân bị ngập lụt nhà cửa, hoa màu, 6 hộ bị sạt lở mất nhà cửa, chuồng trại...; 36ha lúa, khoảng 40ha rau màu bị nước lũ cuốn trôi gây hư hỏng nặng.
Bên cạnh đó, nhiều chuồng trại chăn nuôi của bà con tại các thôn bị lũ gây hư hỏng, hơn 10.000 con gia cầm, 200 con lợn... bị nước lũ cuốn trôi", ông Đoan cho hay.
Trao đổi với cán bộ, lãnh đạo các xã, huyện và tỉnh Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trải qua thiên tai, bão lũ chúng ta mới thấy công tác quy hoạch, ổn định dân cư và công tác quan trắc dự báo thiên tai quan trọng tới mức nào.
Để sớm khắc phục hậu quả của bão lũ và khôi phục lại sản xuất hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT đề nghị địa phương cần thực hiện 2 phương án trong quy hoạch dân cư. Thứ nhất, rà soát lại các khu vực an toàn để di dời các hộ dân đã mất nhà, dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến ở xen ghép với các khu dân cư có sẵn ở địa phương. "Việc này cần làm ngay để người dân có chỗ ở an toàn", Thứ trưởng Nam khẳng định.
Thứ hai, địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch khu dân cư tập trung tại vùng an toàn. "Để thực hiện phương án này, chúng ta cần linh hoạt, chọn quy hoạch quy mô tại các thôn, bản. Trong khu dân cư cần xây dựng đê bao và lắp hệ thống quan trắc dự báo để tránh sạt lở, lũ quét giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất lâu dài", Thứ trưởng Nam gợi ý.
Đối với phương án khôi phục sản xuất, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cho hay: Về phương án hỗ trợ lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ bà con đang được các cơ quan liên quan và cộng đồng hỗ trợ kịp thời. Bộ NN và PTNT sẽ hỗ trợ một phần giống và hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con khôi phục lại sản xuất nhanh nhất có thể.
"Cùng với Bộ, các xã, huyện, tỉnh phải vào cuộc quyết liệt hơn, nhất là cấp tỉnh cần nhanh chóng đưa ra các chính sách, hỗ trợ thiết thực, cụ thể để bà con sớm có nhà, sinh kế sau bão lũ", Thứ trưởng Nam nói thêm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã thay mặt Bộ NN và PTNT trao tặng xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ sau cơn bão số 3.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NN và PTNT Lê Quốc Thanh trao hơn 2,5 tấn hóa chất khử trùng cùng bộ tài liệu hướng dẫn địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi sau thiên tai.