Hàng loạt hộ dân ở ngoại thành Hà Nội đứng trước nguy cơ “mất nhà”
Cho thuê đất trong 20 năm, từng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Phản ánh tới Báo Đại biểu Nhân dân, nhiều hộ dân tại khu Ao Cá, thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) cho biết, năm 1996, UBND xã Tráng Việt và HTX Nông nghiệp Đông Cao ký hợp đồng cho một số hộ dân thuê thầu khu Ao Cá, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thời hạn 20 năm (1996-2016). Nội dung hợp đồng ghi rõ “người được giao đất sẽ được nhà nước bảo vệ pháp luật. Có quyền đầu tư, cải tạo để phát triển kinh tế”.
Ngoài ra, ở mục 3, phần I của Hợp đồng còn ghi rõ “Khi có dự án lớn về đầu tư trong nước hoặc nước ngoài: chủ thầu cũ sẽ được đền bù 100% giá trị đã đầu tư. Ngoài phần trên còn được 50% số tiền đền bù của chủ dự án mới, còn 50% tập thể hợp tác xã được hưởng”.
Tiếp đến mục 4, phần II của hợp đồng có nêu: Khi hết hạn hợp đồng, về đất đai, hai bên sẽ căn cứ vào luật đất đai để thực hiện. Về cơ sở vật chất, cây cối hoa màu, tính giá trị theo thời điểm để thanh toán trả chủ thầu cũ nếu người thuê đất có nhu cầu sử dụng đất tiếp thì căn cứ vào luật đất đai hiện hành vào thời điểm đó để áp dụng.
Theo các hộ dân, từ trước những năm 1990, do nhu cầu củng cố, bồi đắp đê sông Hồng, các khu đất gần chân đê của địa phương đã được sử dụng vào việc đào lấy đất để đắp đê. Việc lấy đất đắp đê để lại nhiều vũng sâu xen kẽ nhau, khó khăn trong việc canh tác, thuộc diện đất hoang hoá, không có người sử dụng hoặc giao không có ai nhận vì không canh tác được.
Sau khi nhận thầu đất, các hộ dân đã huy động công sức, tiền của đầu tư cải tạo, san lấp mặt bằng để sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xây dựng hàng quán, cơ sở kinh doanh nông nghiệp, xây nhà và tường rào để bảo vệ tài sản, góp phần bảo vệ an ninh thôn xóm.
Tháng 12.2003, các hộ dân nêu trên được UBND huyện Mê Linh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn tới tâm lý càng yên tâm hơn để đầu tư tiền của, công sức vào canh tác sản xuất, chăn nuôi, tích cực lao động để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, xã hội. Một số hộ còn dùng chính "sổ đỏ" được cấp để đi vay ngân hàng lấy tiền đầu tư sản xuất nông nghiệp. Từ những cố gắng trên, một số hộ dân phát triển kinh tế nông nghiệp có thành tích xuất sắc đã được nhận giấy khen, bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, ngày 27.2.2009, UBND huyện Mê Linh ban hành các Quyết định thu hồi và huỷ bỏ GCNQSD đất của các hộ dân.
Bất ngờ có thông báo di dời, không được đền bù
Người dân cho biết, chưa dừng lại ở việc "sổ đỏ" bị hủy, đến thời điểm sắp hết hạn hợp đồng thuê đất năm 2016, các hộ đã 2 lần viết đơn xin gia hạn hợp đồng thuê đất để được tiếp tục canh tác, trồng trọt, chăn nuôi nhưng không nhận được phản hồi từ phía chính quyền địa phương.
Sau đó, đến ngày 27.2.2017, các hộ dân nơi đây hoang mang khi bất ngờ nhận được thông báo số 02/TB-UBND xã Tráng Việt về việc thanh lý hợp đồng thầu đất 20 năm. Tuy nhiên, trong thông báo không ghi bất kỳ nội dung gì nhắc tới quyền lợi đền bù của các hộ dân về việc đầu tư cơ sở vật chất trên đất, trong suốt 20 năm qua.
Tiếp đó, đến ngày 9.3.2023, UBND huyện Mê Linh đã ban hành các quyết định về việc buộc khắc phục hậu quả liên quan đến các diện tích đất mà các hộ dân đang sử dụng. Quyết định này ghi rõ, trong vòng 10 ngày, yêu cầu các hộ dân phải tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng bao gồm tường bao, kè ao nuôi trồng thủy sản, các công trình phục vụ giải khát ăn uống, khu chuồng trại chăn nuôi, buộc các hộ dân di chuyển toàn bộ cây cối, hoa màu ra khỏi diện tích đất đang sử dụng. chặt bỏ cây ăn quả, tiến hành san lấp công trình nuôi trồng thủy sản, giao trả mặt bằng cho UBND xã Tráng Việt quản lý, cho thuê tiếp.
Còn đó vấn đề an sinh xã hội đối với người dân
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên báo Đại biểu Nhân dân, trong số 14 hộ dân buộc phải di dời, có một số hộ đã bán hết đất thổ cư, đầu tư toàn bộ tài sản, tiền của, công sức và nhiều nhân khẩu đang sinh sống tại khu đất Ao Cá.
Là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất tại khu Ao Cá, người cựu binh già Lương Văn Khắp chia sẻ, ông đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới phía Bắc, sau khi xuất ngũ, ông Khắp đã thuê đất tại khu Ao Cá để tăng gia, sản xuất với thời hạn 20 năm. Năm 2013, ông Khắp không may bị tai nạn và bị mất sức lao động 88%, kèm theo đó là căn bệnh động kinh đang đeo bám ông.
“Đến năm 2016, khi chuẩn bị hết hạn hợp đồng thuê đất, gia đình tôi cùng các hộ dân khu Ao Cá đã làm đơn xin gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không chấp thuận việc gia hạn hợp đồng và yêu cầu gia đình tôi di chuyển ra khỏi khu đất. Và họ cũng không đả động gì tới việc đền bù các tài sản trên đất theo quy định của hợp đồng”, ông Khắp chia sẻ thêm.
“Tôi không chống đối và cũng sẵn sàng ra khỏi nhà, khi được đáp ứng đầy đủ các quyền lợi theo đúng hợp đồng đã ký trước đây để tôi có chút vốn liếng đi lập nghiệp ở chỗ khác”, ông Khắp khẳng định.
Còn hộ gia đình anh Đồng Văn Hải ở khu Ao Cá (thông Đông Cao, xã Tráng Việt) đang có 6 nhân khẩu đang sinh sống tại đây. Năm 2000, gia đình anh Hải đã bán hết đất thổ cư để đầu tư toàn bộ vốn liếng vào khu đất Ao Cá, phục vụ làm trang trại, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Sau này, anh Hải chuyển sang kinh doanh nhà hàng ăn uống, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
“Đến năm 2016, trước khi hết hợp đồng khoảng vài tháng, tất cả các hộ dân khu Ao Cá đã làm đơn xin gia hạn hợp đồng gửi lên UBND xã Tráng Việt. Nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phí chính quyền địa phương. Đến năm 2017, chúng tôi nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Quá bàng hoàng và lo lắng, chúng tôi đã làm đơn khiếu nại, xin được hỗ trợ, đền bù cơ sở hạ tầng, cây ăn quả trên đất theo đúng hợp đồng đã ký. Nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận”, anh Hải chia sẻ.
Các hộ dân khu Ao Cá đều cho biết sẽ tuân thủ theo pháp luật, sẵn sàng di chuyển khỏi khu đất khi được hưởng đầy đủ quyền lợi đền bù theo đúng hợp đồng đã ký với UBND xã Tráng Việt năm 1996.
Trao đổi với nhóm phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề này, ông Trần Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) cho biết, nếu không có gì thay đổi, ngày 18.4.2023 tới đây, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế đối với 14 hộ dân khu Ao Cá (thôn Đông Cao) để phục vụ cho dự án trồng cây xanh. Vị lãnh đạo này cũng từ chối cung cấp các thông tin liên quan tới khu đất Ao Cá.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng liên quan trong sự việc nêu trên để thông tin tới bạn đọc và cử tri cả nước.