Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7 lên 6%, trùng với thời điểm tăng lương khu vực nhà nước. Những người lao động đã được trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu mới thì việc điều chỉnh thực hiện theo các cam kết, thỏa thuận của các bên ghi trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế của doanh nghiệp.
Việc tăng lương tối thiểu từ 1.7.2024 sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống; hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Việc tăng lương tối thiểu sẽ hạn chế các tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định trật tự xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% có sự chia sẻ, kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp; với mục tiêu vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên người lao động nâng cao năng suất lao động, cùng với doanh nghiệp vượt khó và mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường để có thêm đơn hàng, việc làm cho người lao động.
Cho rằng việc Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu 6% từ 1.7 là cần thiết và tất yếu, TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.
Người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ "nhảy việc" cao, 8 - 12%/tháng ở các ngành đông lao động.
Cũng theo bà Lan, khi lương thấp, người lao động còn đang vướng bận với việc lo bữa cơm hàng ngày cho gia đình thì việc doanh nghiệp đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động cũng khó. Do đó, tăng lương cũng là yếu tố để lao động gỡ bỏ nhiều mối lo, chuyên tâm vào công việc chuyên môn.
Chú trọng hoạt động đào tạo nhân lực
Nói về vấn đề tiền lương và năng suất lao động, TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia nêu quan điểm, việc tăng năng suất lao động qua các chính sách tiền lương rất quan trọng. Ở nước ngoài, các doanh nghiệp đã thực hiện việc này từ rất lâu, họ thuê người, trả lương theo mục tiêu, trả lương theo kết quả lao động, vị trí công việc…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, để tăng năng suất lao động thì yếu tố quản trị năng lực, quản trị doanh nghiệp phải nâng cao hơn rất nhiều. Bởi lẽ nhân lực giỏi phải gắn cả với năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp. Đôi khi năng lực nhân công rất giỏi nhưng năng lực của người quản trị doanh nghiệp chưa tốt dẫn đến việc, người đứng đầu doanh nghiệp không nhận ra được năng lực của nhân viên và những người lao động ấy không phục người lãnh đạo của mình. Điều này sẽ làm mất đi giá trị, "bỏ quên" nhân sự giỏi trong doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn nhân lực.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, bản thân người lao động sẽ có năng suất lao động cao hơn nếu như họ được trả mức lương tốt, được tôn vinh, được đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra. Khi công sức của người lao động được trân trọng, được ghi nhận thì họ sẽ cống hiến nhiều hơn, làm việc sáng tạo hơn, đóng góp tốt hơn vào sự thành công của doanh nghiệp, của đơn vị.
TS. Đinh Việt Hòa cũng nêu thêm 2 yếu tố khác khiến năng suất lao động của Việt Nam chưa cao, đầu tiên với nguồn nhân lực phổ thông đang dư thừa rất nhiều, bởi hàng năm cả nước có tới hàng triệu sinh viên ra trường, đội ngũ này chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản ở nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do môi trường giáo dục thực tiễn ở Việt Nam đang rất thiếu và yếu. Tại các trường đại học, hầu như chỉ tập trung đào tạo về lý thuyết nhiều hơn là việc tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, trong khi đây là yếu tố rất quan trọng.
Yếu tố thứ hai là doanh nghiệp của Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này phần lớn chỉ tập trung vào tạo ra các yếu tố dịch vụ, không đòi hỏi nguồn chất xám cao, dẫn tới việc người lao động không có cơ hội được cọ xát khi các tập đoàn lớn từ nước ngoài vào.
Để khắc phục tình trạng năng suất lao động thấp, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực ở chính doanh nghiệp mình, vì không thể tìm được nhân lực phù hợp theo yêu cầu ngay lập tức. Bởi lẽ, nếu nhân lực chất lượng cao đáp ứng được mong muốn của mình thì họ cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài trong khi họ trả mức lương cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp Việt Nam.