Tạo dựng giá trị, bản sắc
- Triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025, các hoạt động đã được tổ chức rộng khắp tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, trường học. Sức lan tỏa của các hoạt động này ra sao, thưa bà?
- Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025 đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của các nhà chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước; cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ với tính chất rốt ráo, tăng cường trong một giai đoạn. Rõ ràng, Đề án đã thành công trong tạo điểm nhấn, sự lan tỏa trong cộng đồng, trong đó có các nhà trường với việc tạo thói quen đọc sách một cách tự nhiên, trở thành nhu cầu thiết yếu của không ít cá nhân, tập thể, trở thành giá trị, bản sắc của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

- Trong bối cảnh thế giới phẳng, chuyển đổi số, bà nhận thấy các hoạt động phát triển văn hóa đọc đã được tổ chức thực hiện như thế nào?
- Các hoạt động phát triển văn hóa đọc được thực hiện phong phú, đa dạng và hấp dẫn; việc học tập lẫn nhau giữa các cơ sở, đơn vị cũng nhanh và hiệu quả. Phát triển văn hóa đọc đồng hành với thay đổi nhận thức, tạo bản sắc mới, giúp cộng đồng có thêm văn hóa chia sẻ.

Truyền thống hiếu học, hiếu đọc của người Việt Nam hiện nay chưa rõ nét, đặc biệt chỉ số tỷ lệ đầu sách đọc của mỗi người trên một năm của Việt Nam rất thấp. Những năm trước chưa được 1 cuốn/người/năm, trong đó gần 50% là sách giáo khoa; gần đây, chỉ số này đã tăng lên 4/cuốn/người/năm. Đây có thể nói là một trong những chỉ báo quan trọng, cho thấy sách đã tác động đến đời sống tinh thần của người dân ở các cương vị, lĩnh vực, môi trường, điều kiện khác nhau; giúp nâng cao, củng cố đời sống tinh thần, lối sống cộng đồng.
Điển hình trong đại dịch Covid-19, bên cạnh ATM gạo có ATM sách, cho thấy sách không thể thiếu trong giai đoạn dừng mọi nhu cầu giao tiếp, giao lưu trong xã hội để phòng, chống dịch. Góp phần thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đại dịch "ngừng đến trường nhưng không ngừng học", đọc sách được ghi nhận như là một trong những hoạt động có giá trị giúp việc học tập diễn ra thường xuyên, liên tục và không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện thiên tai, dịch bệnh hay những tác động khác của xã hội.

Đưa việc đọc trở nên thân thiện và hiệu quả
- Như bà đã nói, các hoạt động phát triển văn hóa đọc diễn ra thường xuyên, liên tục, song vẫn còn những hạn chế nhất định?
- Hạn chế trước tiên là vấn đề bệnh hình thức. Nhiều người còn vờ đọc sách, vờ khen đọc sách và vờ quan tâm đọc sách. Bệnh hình thức cũng dẫn đến tình trạng các đơn vị, trường học muốn quan tâm vấn đề đọc sách, nhưng khi giáo viên tổ chức hoạt động, câu lạc bộ đọc sách thì lại từ chối. Có hiện tượng này bởi các đơn vị quá bận những hoạt động đổi mới khác; cũng có thể nói tính nêu gương của những người làm công tác chuyên môn chưa cao.

Đọc sách lẽ ra phải là một hoạt động yêu thích, trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống song vẫn chưa đồng bộ, đặc biệt với đối tượng nhà giáo, những người học tập suốt đời, gương mẫu nhất; bên cạnh đó là các bậc phụ huynh và cả những người lãnh đạo. Nhu cầu đọc sách cần bắt đầu từ những người đóng vai trò nòng cốt, đầu tàu, gương mẫu, mới thực sự đem lại lợi ích. Giống như khi đem lại lợi ích cho thầy cô thì sẽ đem lại lợi ích cho người học, đem lại lợi ích cho cha mẹ thì sẽ đem lại lợi ích cho con cái, đem lại lợi ích cho lãnh đạo thì sẽ đem lại lợi ích cho nhân viên.
Hơn nữa, chúng ta đang thiếu cơ chế tạo nguồn lực cho việc đọc sách thực chất, mà nó chủ yếu vẫn nằm ở các hoạt động hội đoàn, của những nhà xuất bản. Đôi khi, cá nhân những người làm công tác xuất bản, doanh nghiệp, trí thức, lãnh đạo yêu sách dùng nguồn lực của mình hay của một vài tổ chức, tập thể chứ chưa phải là nguồn lực đồng bộ của hệ thống.
- Để hoạt động đọc sách hiệu quả, thực chất, đi vào chiều sâu, theo bà, cần chú trọng điều gì?
- Đối với khối giáo dục - đào tạo, cần đưa hoạt động đọc sách trở thành phương pháp học tập, đặc biệt là phương pháp tự học. Do đó, phải đầu tư về nghiệp vụ sư phạm, về mặt khoa học, đề tài nghiên cứu, bài viết, khóa bồi dưỡng và cơ sở pháp lý ràng buộc như tiết dạy, cách ghi nhận, công nhận kết quả lồng ghép trong kết quả học tập của người học.

Phải huy động được nguồn lực của toàn xã hội, không chỉ ngân sách từ Nhà nước mà của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Vừa rồi chúng ta đã có nhiều tấm gương, như Phó phòng Giáo dục - Đào tạo ở Nho Quan, Ninh Bình dành khuôn viên nhà riêng, trích lương để xây dựng thư viện sách. Đáng trân trọng là có những cụ hơn 90 tuổi vẫn ngày đêm tạo dựng thư viện cộng đồng. Tôi mong rằng, đọc sách nên trở thành một hoạt động mang tính tự nguyện tại các trung tâm học tập cộng đồng, các xã, phường, thị trấn. Trên toàn quốc cũng phải có môi trường đọc và nguồn lực để việc đọc trở nên thân thiện, dễ dàng và hiệu quả.
Trong công tác chuyển đổi số của Nhà nước, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải có tiêu chí liên quan đến hỗ trợ về công nghệ để cung cấp học liệu, tạo môi trường giao lưu, trao đổi cho việc đọc hiệu quả; đầu tư đúng mức để đưa công nghệ vào việc đọc sách, trở thành nguồn lực, công cụ hỗ trợ phát triển văn hóa đọc.
Điều cuối cùng, tôi mong muốn chúng ta tạo được phong trào đọc sách sâu rộng trong toàn xã hội, nhằm nêu gương, biểu dương, học hỏi và ghi nhận kịp thời những tấm gương đọc, tấm gương hiếu đọc, tấm gương truyền cảm hứng đọc cho mọi người dân, trong mọi tầng lớp nhân dân.
- Xin cảm ơn bà!
"Để góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập thành công như chủ trương của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là nhiệm vụ thường trực của ngành giáo dục và đào tạo, tôi mong muốn có nhiều hơn sự phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa ngành văn hóa, thể thao, du lịch với ngành giáo dục và đào tạo. Sẽ có nhiều hoạt động, nhiều chương trình phối hợp mật thiết, thường xuyên, huy động được nhiều người dân, nhiều tầng lớp tham gia một cách có hiệu quả, chất lượng".
PGS.TS Vũ Thị Tú Anh