Không gian của xuất bản rộng hơn
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm; trong đó, có 3,88 bản là sách giáo khoa, bài tập, giáo viên; 1,48 bản là các loại xuất bản phẩm khác.
Với các con số thống kê của thị trường xuất bản, bà Quách Thu Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hoa Sen cho biết: “Năm 2004, khi chúng tôi tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư, đặt mục tiêu năm 2010 đạt 4 bản sách/người. Nhưng tới nay là năm 2024, chúng ta mới có hơn 5 bản/người. Chưa kể trên tổng số đầu sách mới, số lượng sách của năm 2024 phân nửa là sách giáo khoa. Đó là số liệu “đầu vào” của ngành xuất bản. Thực tế số lượng sách không phải là sách giáo khoa đã đến được tay bạn đọc, hay còn nằm trong kho của các đơn vị xuất bản? Bởi tại một số hội sách, vẫn có chương trình giảm giá sách lên tới 60 - 70% để thu hút độc giả mua sách..."
Làm sách và khuyến đọc trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books nhận xet, chúng ta đang nói văn hóa đọc xuống cấp, nhưng nhìn tổng thể xã hội đọc nhiều lên, số đầu sách được xuất bản cũng tăng. Với Thái Hà Books, một số cuốn sách đã bán được trên 100.000 bản. Bên cạnh đó, những cuốn sách nói có số lượng người nghe nhiều nhất năm 2023 như “Think and Grow Rich - 13 Nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu” có tới 1,5 triệu lượt nghe, đọc, 24,4 triệu phút nghe, đọc. Như vậy, ngoài sách giấy, độc giả cũng đọc và nghe trên các nền tảng số…
“Người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn. Họ có nhiều cách đọc hơn, kể cách đọc là không đọc (hỏi trợ lý ảo). Nhiều cách đọc hơn tức là không gian của xuất bản rộng hơn. Không gian để sáng tạo cũng vì thế mà rộng hơn rất nhiều” - nhận định như vậy tại Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: xuất bản phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Độc giả ở đâu thì chúng ta phải đến đó. Bởi vậy, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản.
Đo nhu cầu, sở thích và kích thích việc đọc
Để phát triển sách, phát triển xuất bản thì phải có nhiều người đọc. Nếu xuất bản là “đầu vào”, thì thư viện là “đầu ra” của sách. Gắn bó với ngành thư viện trên 40 năm, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc ở nước ta hiện nay không ít. Nhiều năm nay, thư viện cả nước tổ chức nhiều trưng bày, tuyên truyền giới thiệu sách, triển lãm sách báo... Nhiều năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.4) được tổ chức với nhiều hoạt động hưởng ứng từ các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị như: hội sách trực tiếp, trực tuyến, trưng bày giới thiệu sách, tọa đàm giao lưu tác giả - dịch giả...
Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trên toàn quốc, năm cao điểm thu hút 1,2 triệu bài thi. Năm 2021, cuộc thi đọc sách và viết cảm nhận, thu hút 3.500 video trên Youtube, có 2,5 triệu lượt người bình luận, cho thấy sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn. Những năm qua, Ngày sách và văn hóa đọc, Đường sách… cũng đã được nhiều đơn vị tham gia hưởng ứng, lan tỏa văn hóa đọc cho mọi người…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Giới thẳng thắng chỉ ra rằng, nhiều hoạt động được làm theo kỳ cuộc, tuyên truyền không được liên tục. Các hoạt động chậm đổi mới, hình thức cũ. Mặt khác, chưa nhiều hoạt động trên không gian mạng để có sức lan tỏa đến giới trẻ.
Để việc quảng bá sách và tạo dựng văn hóa đọc diễn ra thường xuyên, liên tục, theo bà Quách Thu Nguyệt, cần tận dụng mạng xã hội để tiếp thị “đầu ra” của sách, để người đọc biết đó là sách hay, tiếp cận bạn đọc có nhu cầu. Hiện nay ngành xuất bản chưa có kênh truyền thông quảng bá, từ đó “đo” được nhu cầu, sở thích đọc và kích thích, tạo sở thích đọc cho người trẻ. Ngành sách cần làm kênh riêng, giới thiệu các sách mới, sách hay, tạo sức hút cho người đọc từ ấu thơ tới người trưởng thành. Đặc biệt, để lớp trẻ đọc sách, cần “bắt đúng mạch nhu cầu và tình yêu đọc sách”, có những hoạt động để “dụ” người trẻ đọc sách.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: “quyển sách sẽ vẫn là quyển sách, nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người. Một quyển sách in có thể chỉ tiếp cận được hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn người, nhưng hình tướng ngắn gọn và trên đa nền tảng thì quyển sách có thể tới được hàng triệu người, và nhiều hơn thế nữa, và vì thế mà giá trị của sách cũng tăng lên. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều”.
Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp người làm sách giới thiệu và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng hóa, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế thị trường...
Bởi vậy, người làm sách cần tận dụng công nghệ để mở ra những không gian mới, với những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả.