Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỉ đồng, giảm 7.9% với cùng kỳ năm 2022.
Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (52,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).
Đáng chú ý, số liệu thống kê của IAV cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm của một doanh nghiệp trong ngành đã giảm từ 3.397 tỉ đồng (6 tháng đầu năm 2022) xuống còn 2.357 tỉ đồng (2 quý đầu năm 2023).
Trước đó, Công ty bảo hiểm nhân thọ này là một trong bốn doanh nghiệp bảo hiểm bị Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng (bancassurance).
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của Công ty, kết thúc năm 2022, công ty này đã dành hơn hơn 1.807 tỉ đồng để đầu tư tài chính ngắn hạn, 5.925 tỉ đồng đầu tư tài chính dài hạn - lần lượt tăng thêm 1.264 tỉ đồng và 1.014 tỉ đồng so với năm 2021.
Bên cạnh đó, Công ty đã sử dụng 7.731 tỉ đồng cho các hoạt động đầu tư tài chính, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm này đang nắm giữ khoảng 2.395 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả doanh nghiệp còn 7.803 tỉ đồng, tăng thêm 2.285 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động tài chính của Công ty lên đến 293 tỉ đồng, tăng thêm 1.027% so với năm 2021. Trong năm 2022, Công ty này phải trích lập dự phòng đầu tư hơn 161 tỉ đồng (cùng kì 13 tỉ đồng), lỗ đầu tư chứng khoán của tài khoản uỷ thác 93 tỉ đồng (cùng kì gần 3 tỉ đồng).
Việc chi phí tài chính tăng vọt do trích lập dự phòng và lỗ đầu tư là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm từ 221 tỉ đồng (năm 2021) về còn 64 tỉ đồng (năm 2022), bất chấp việc doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm và doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh.