Tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu” do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 25.10, Phó chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Bộ Công thương Hoàng Văn Tâm cho biết, ngày 14.12.2022, Bộ Công thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.
Bộ Công thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, trước đây chỉ là đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, còn bây giờ liên quan đến vấn đề về phát triển kinh tế, đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia có giá trị phụ thuộc vào xuất khẩu rất lớn, nhiều hàng xuất khẩu.
Chính vì thế, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu hay là cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới,… thì đó là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Dẫn chứng như cam kết liên quan đến phát thải ròng bằng 0, ông Nguyễn Sỹ Linh cho biết, ngành dệt may của Việt Nam trong thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang một quốc gia khác, cũng một quốc gia đang phát triển nhưng mà họ đã chuyển dịch năng lượng theo hướng là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn, đó là Bangladesh. Cho nên rất nhiều đơn hàng về dệt may thay vì sản xuất ở Việt Nam thì đã chuyển sang Bangladesh - nơi mà đã thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần dựa vào nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số…
Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu theo xu hướng thị trường.