Dự cuộc làm việc có: các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng; các sở, ngành liên quan.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9.3.2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 12 đơn vị hành chính cấp huyện. Đất nông nghiệp theo chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2025 là 909.471 ha và đến năm 2030 là 907.154 ha; thực hiện đến hết tháng 12.2024 là 909.640 ha. Đất phi nông nghiệp theo chỉ tiêu quốc gia phân bổ đến năm 2025 là 64.496 ha và đến năm 2030 là 70.478 ha; thực hiện đến hết tháng 12.2024 là 59.508 ha.

Đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai năm 2024, đến nay, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, còn lại 2 văn bản tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện ban hành. Nội dung văn bản giao, phân cấp cho các địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định một cách đồng bộ từ Luật đến các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia phân bổ cho tỉnh tương đối thấp và chưa bảo đảm thời gian; trong khi nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trên địa bàn tương đối lớn nên nhiều công trình, dự án phải rà soát, cân đối giảm quy mô sử dụng đất trong kỳ quy hoạch. UBND tỉnh gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian trong quá trình rà soát, cân đối và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho từng đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự chậm trễ so với kế hoạch đã đề ra.

UBND tỉnh Lâm Đồng nêu vấn đề, việc đầu tư xây dựng các công trình còn phụ thuộc vào chủ đầu tư đăng ký dự án nên tiến độ triển khai các dự án chậm hơn so với kế hoạch (đặc biệt là các công trình, dự án vốn ngoài ngân sách); công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và công tác triển khai thực hiện các quy hoạch chưa đồng bộ, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho xây dựng các công trình công cộng dẫn đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao.
Đối với đất trồng lúa, Lâm Đồng kiến nghị, toàn tỉnh có khoảng 19.898 ha đất trồng lúa, chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa phân bổ đến năm 2030 là 19.890 ha (giảm 8 ha). Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất trồng lúa cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là tương đối lớn. Do đó, cần đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.

Các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao công tác phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất của Lâm Đồng; kiến nghị Lâm Đồng xem xét lại đề xuất giảm diện tích đất nông nghiệp, diện tích đất về phát triển hạ tầng xã hội. Khi đề xuất điều chỉnh cần làm rõ căn cứ cụ thể nào để đề xuất giảm các diện tích đất đó, chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp như thế nào cho phù hợp, đã đánh giá tác động về môi trường và xã hội của việc điều chỉnh này chưa?

Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm kiến nghị liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản gây khó khăn trong triển khai các dự án trên địa bàn, trong đó có các dự án quan trọng như: Khu tái định cư thị trấn Lộc Thắng để phục vụ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; dự án mở rộng đường trục chính thị trấn Lộc Thắng...
Ngoài ra, sự chồng lấn cũng gây khó khăn trong thực hiện cấp phép xây dựng, chuyển mục đích đất; không thể kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện mong muốn Đoàn khảo sát ghi nhận và đề xuất, kiến nghị Chính phủ sớm có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của Lâm Đồng cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong việc triển khai kịp thời lập quy hoạch tỉnh; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời đề nghị HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và sớm có giải pháp hoàn thành các mục tiêu đã đề ra; sớm bổ sung báo cáo về việc phân cấp, phân quyền trong phê duyệt sử dụng đất tại địa phương gửi Đoàn khảo sát, phục vụ quá trình thẩm tra việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là trong thời gian tới các đơn vị hành chính được sắp xếp lại. Trong đó lưu ý các số liệu phải đầy đủ, thống nhất, tính toán kỹ lưỡng.

+ Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã khảo sát hiện trạng vùng quy hoạch đất khoáng sản tại huyện Bảo Lâm và làm việc với UBND huyện Bảo Lâm.

