Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Nguyễn Phương Tuấn, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tạ Đình Thi; Phó Tổng Giám đốc Viettel Đào Xuân Vũ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, mục đích cuộc làm việc nhằm lắng nghe Viettel đề xuất làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về công nghệ thông tin; đề xuất các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ và các chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, phát triển thị trường công nghệ số, mở rộng không gian phát triển công nghiệp công nghệ số…
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel Nguyễn Việt Dũng cho biết, Chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Viettel do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ định hướng phát triển của Viettel là trở thành một Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiên phong trong chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số.
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể tham gia đấu thầu, dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, với một số sản phẩm công nghệ cao, có yếu tố an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia thì các chính sách này chưa đủ mạnh, chưa đủ để cạnh tranh với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới thường là các công ty có vài chục năm kinh nghiệm, có công nghệ tiên tiến, có quy mô thị trường, sản xuất hàng triệu sản phẩm nên tối ưu hóa được giá thành… Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam còn non trẻ, mới thâm nhập thị trường, quy mô chỉ bằng 0,1% của các hãng trên thế giới nên giá thành thường cao hơn 20-30%.
Viettel đề xuất cần có chính sách đồng bộ và mạnh hơn nữa để các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt Nam được đưa vào khai thác, sử dụng tại thị trường trong nước, tiến tới hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đề nghị Viettel đánh giá thêm về việc “chảy máu” chất xám trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài; giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài…
Khẳng định các ý kiến tại cuộc làm việc rất thiết thực và bổ ích, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Viettel tiếp tục đồng hành, đóng góp ý kiến với Ủy ban trong quá trình nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: sự cần thiết ban hành Luật; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; các cơ chế, chính sách chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc thù đúng, trúng, đủ mạnh và công bằng để thúc đẩy chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, chế biến, chế tạo, phát triển công nghệ số...